Trong thời kỳ hội nhập ngày nay, tiếng Trung đã trở thành một trong những ngôn ngữ phổ biến nhất thế giới. Với sự phát triển không ngừng của nó, ngày càng có nhiều người Việt Nam lựa chọn theo học tiếng Trung.
Nhưng làm thế nào để học tiếng Trung giao tiếp hiệu quả? Đây chắc hẳn là câu hỏi được rất nhiều bạn học tiếng Trung đặt ra. Các bạn đã từng nghĩ rằng sẽ trực tiếp đến Trung Quốc, gặp gỡ cũng như giao tiếp với người Trung Quốc chưa?
Chính vì Trung Quốc là quốc gia láng giềng thân thiết với Việt Nam, do đó, thỉnh thoảng “vượt biên” vi vu khám phá Trung Quốc thực sự sẽ là một trải nghiệm vô cùng tuyệt vời đấy! Để Riba bật mí cho bạn một địa điểm lý tưởng để tìm hiểu khám phá Trung Quốc nha! Đó chính là thị trấn Bằng Tường – nơi tiếp giáp với cửa khẩu Lạng Sơn, Việt Nam.
Vậy Bằng Tường, Trung Quốc có gì hấp dẫn? Nên hay không nên đi Bằng Tường? Để giải đáp cho những thắc mắc ấy, hãy đồng hành cùng Riba đi khám phá Bằng Tường trong bài viết này nha!
Đôi nét về Bằng Tường
Bằng Tường là thị xã thuộc thành phố khu Sùng Tả, Quảng Tây, Trung Quốc. Thành phố Bằng Tường giáp với huyện Cao Lộc, tỉnh Lạng Sơn, Việt Nam. Có thể nói, đây là thành phố giao thương quan trọng với Việt Nam.
Các dân tộc sinh sống ở Bằng Tường gồm: Hán, Choang, Dao, Miêu, Kinh. Theo thống kê, dân số nơi đây năm 2010 là 106.400 người, trong đó người Choang chiếm 83,5%.
Địa điểm vui chơi hấp dẫn
Hữu Nghị Quan - 友谊关
Hữu Nghị Quan có tên cũ là Trấn Nam Quan, là một cửa khẩu biên giới giáp Việt Nam-Trung Quốc, nằm ở thôn Ải Khẩu, trấn Hữu Nghị, thành phố Bằng Tường. Nơi đây cách Bằng Tường 15 km về phía Tây và có tổng diện tích 46 ha.
Hữu Nghị Quan được xây lại năm 1957 cao 22 mét, gồm một tầng đế và ba tầng gác có hành lang bao quanh. Trong đó, tầng đế có diện tích 365,7 mét vuông, dài 23 mét, rộng 15,9 mét, độ cao trung bình là 10 mét. Mỗi tầng gác có diện tích trung bình 80 mét vuông. Bên trên cổng vòm quan lâu có bức đại tự làm bằng hán bạch ngọc khắc ba chữ “友谊关” do chính thủ tướng Quốc vụ viện kiêm Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Trần Nghị viết.
Không chỉ vậy, Hữu Nghị Quan chắc chắn là địa điểm check in lý tưởng cho nhiều bạn trẻ. Mặc dù Trung Quốc nổi tiếng là quốc gia có nền kinh tế phát triển bậc nhất thế giới, tưởng chừng quốc gia này luôn bị bao phủ bởi những tòa nhà chọc trời, bởi những dòng xe cộ tấp nập. Nhưng đến với Hữu Nghị Quan, nơi đây vẫn giữ được nét cổ kính huyền bí đặc trưng Trung Hoa. Có lẽ vì thế mà Hữu Nghị Quan vẫn rất riêng biệt, rất “cá tính” trong lòng người dân nơi đây.
Đặc biệt hơn, nếu có thể đến Hữu Nghị Quan trải nghiệm, bạn không chỉ có cơ hội được trò chuyện tiếp xúc với người Trung Quốc, mà còn sẽ rất bất ngờ với khả năng giao tiếp tiếng Trung của người Việt Nam chúng ta nữa đấy. Có nhiều người Việt dù không trải qua trường lớp chuyên nghiệp nào nhưng tiếng Trung của họ lại quá đỗi lưu loát. Có thể do ảnh hưởng của công việc hoặc là môi trường sống, do đó mà họ giao tiếp tốt đến mức khiến chúng ta lầm tưởng rằng họ là người Trung Quốc vậy.
Ngôi mộ vạn người triều đại nhà Thanh -大清国万人坟
Đây được coi là di tích lịch sử chiến tranh Trung-Pháp, nằm cách Hữu Nghị Quan 200 mét về phía bắc. Năm 1885, khi chiến tranh Trung-Pháp nổ ra, Phùng Tử Tài và những người khác đã lãnh đạo quân Thanh chống lại quân xâm lược Pháp.
Trong cuộc chiến tranh khốc liệt ấy, hầu hết thi hài của các chiến sĩ quân Thanh đã hy sinh cho tổ quốc đều được chôn cất tại đây. Chính vì số lượng thi hài của các chiến sĩ quá đông nên được gọi là “万人坟”.
Các ngôi mộ đều được khắc chữ “大清国万人坟”
大清国万人坟 là một trong những di tích lịch sử quan trọng của khu tự trị dân tộc Choang Quảng Tây. Để tưởng nhớ những anh hùng đã hy sinh cho tổ quốc, vào lễ thanh minh năm 1898, những ngôi mộ này đã được xây dựng trên sườn đồi.
Vạn Lý Trường Thành ngầm Pinggangling – 平岗岭地下长城
平岗岭地下长城 được xây dựng vào năm 1889. Đây là hệ thống phòng ngự quân sự do Đô đốc biên phòng Quảng Tây Tô Nguyên Xuân xây dựng khi ông giám sát các vấn đề quân sự phòng thủ biên giới Quảng Tây vào cuối thời nhà Thanh. Công trình này được xây dựng ở Pinggangling dựa trên môi trường địa hình dòng sông biên giới Trung -Việt và sông Pinger.
平岗岭地下长城 có hai pháo đài được trang bị khẩu pháo Krupp của Đức và một số khẩu pháo nhỏ. Hai pháo đài này được nối trực tiếp với hệ thống đường ngầm dưới lòng đất, cứ 10 mét là lại thông với thế giới bên ngoài.
Đường hầm dưới lòng đất bao gồm các phòng đóng quân, phòng chỉ huy và kho đạn. Trong đó phần trung tâm có lối đi ngầm dẫn thẳng ra sông Pinger.
Toàn bộ hệ thống đường hầm dưới lòng đất có cấu trúc đan xen, phức tạp, y hệt như một mê cung huyền bí. Bởi vậy mà công trình này được mệnh danh là đường ngầm bí mật nhất thời nhà Thanh Trung Quốc, hay còn được biết đến là “Vạn Lý Trường Thành dưới lòng đất”.
Không chỉ vậy, đây cũng được coi là di tích lịch sử cần được bảo tồn của khu tự trị Quảng Tây. Pháo đài Pinggangling đã vẽ lên trang sử vẻ vang trong các cuộc kháng chiến chống Pháp cũng như góp phần to lớn trong sự nghiệp giải phóng của nhân dân Trung Quốc.
Ăn gì khi đến Bằng Tường?
Trà sữa
“Đi Bằng Tường Trung Quốc mà không được thử trà sữa thì thực sự thiếu sót lắm đấy!”-Chia sẻ của một bạn từng đi Bằng Tường.
Đừng quên thưởng thức một cốc trà sữa khi đi Bằng Tường nha!
Nghe thì có vẻ kì lạ lắm phải không? Nhưng các bạn liệu có biết, những cốc trà sữa mà chúng ta vẫn thấy hàng ngày có nguồn gốc từ đâu không? Đó chính là quốc gia Trung Quốc đấy.
Trà sữa nơi đây quả đúng là đậm vị trà, độ ngọt vừa phải, trân châu mềm mà không dai, thực sự sẽ đem lại cho bạn một cảm giác hoàn toàn khác biệt so với trà sữa ở Việt Nam đấy!
Lẩu dê khô
Đây là món lẩu nổi tiếng ở Bằng Tường nói riêng cũng như Trung Quốc nói chung. Và nếu muốn thưởng thức món lẩu này, Riba khuyên các bạn hãy nên đặt bàn trước. Nếu không sẽ không còn chỗ để ngồi đâu nha!
Phố ẩm thực ban đêm
Mặc dù gọi là phố ẩm thực ban đêm nhưng chiều sớm 2,3 giờ đã mở cửa rồi. Đến với phố ẩm thực, các bạn sẽ được thưởng thức hàng ngàn món ăn vặt nổi tiếng của Trung Quốc như gà bó xôi, dâu tây khay, đậu phụ thối, chân gà….Mỗi món ăn lại có một hương vị,nét đọc đáo riêng biệt. Chính vì vậy hãy mang một cái bụng thật đói khi đến đây để có thể thưởng thức tất cả những món ăn hấp dẫn này nha!
Như vậy là chúng ta đã điểm qua vài nét hấp dẫn của Bằng Tường rồi. Có thể nói, “vượt biên” vi vu khám phám Bằng Tường quả là một ý tưởng rất tuyệt vời phải không nào? Thông qua chuyến du lịch ngắn hạn này, chúng ta không chỉ có thể tìm hiểu văn hóa, lịch sử Trung Quốc, mà đây cũng là cơ hội để thực hành tiếng, nâng cao khả năng giao tiếp cho bản thân mình đấy! Vậy còn ngần ngại gì nữa, hãy xách balo lên và đi trải nghiệm Bằng Tường thôi nào!