Trong những năm gần đây, Trung Quốc đã trở thành một điểm đến phổ biến của sinh viên quốc tế muốn theo đuổi bậc học cao hơn. Ngoài việc nhận được nền giáo dục chất lượng cao, sinh viên quốc tế còn có cơ hội tích lũy những kinh nghiệm làm việc quý báu sau khi tốt nghiệp.
Tuy nhiên, đối với những người ngoại quốc, sống và làm việc tại một đất nước với nền văn hóa và truyền thống hoàn toàn khác biệt là một thách thức không hề nhỏ.
Trong bài thơ Một Khúc Ca, Tố Hữu viết: “Nếu là con chim, chiếc lá. Thì con chim phải hót, chiếc là phải xanh. Lẽ nào vay mà không có trả. Sống là cho, đâu chỉ nhận riêng mình?”
Vì vậy, mình tham gia Vinh Danh Người Thắng Cuộc 2021 với hy vọng câu chuyện và những trải nghiệm của mình trong mùa học bổng 2021 có thể chạm đến những trái tim đang cần một chút quyết tâm, một chút động viên hay một người đồng hành trên hành trình thực hiện ước mơ của mình. Câu nói mình hay dùng để tạo lửa cho bản thân là: Hãy tập trung vào tốc độ của bản thân mình – KHÔNG SỢ CHẬM, CHỈ SỢ DỪNG!
Vì một số lý do cá nhân mình chưa tiện public danh tính cá nhân nên một số giấy tờ mình sẽ che tên nhé 🙂
Đôi nét về Background và Thành tích học bổng
宝剑锋从磨砺出,梅花香自苦寒来
Bảo kiếm phong tòng ma lệ xuất, mai hoa hương tự cổ hàn lai (ý là “Bảo kiếm sắc nhờ mài ra, hoa mai thơm nhờ thống khổ trong buốt giá”).
Tháng 4/2020 mình quyết định sẽ tìm học bổng và đi du học, đến tháng 5 mình tìm hiểu các loại học bổng, tuy nhiên cũng không phải là quá sâu sắc, đến khi mình biết đến cộng đồng Hội Tự Apply học bổng Trung Quốc thì mới có nhiều thông tin hơn.
Lúc này mình mới biết được học bổng CSC, CIS,…. và cũng trong khoảng thời gian này năm trước, qua các bài chia sẻ của các bạn, mình mới có động lực, nhiều thông tin từ đó quyết định sẽ apply học bổng và du học Trung Quốc.
Giờ mình nhìn lại, đạt được học bổng này mình cảm thấy rất có duyên, giống như cậu bé trong quyển Nhà Giả Kim: Từ sâu trong trái tim mình, khi muốn thực hiện một điều gì thì vũ trụ sẽ đáp lời và giúp đỡ mình. Từ một khát khao muốn được đi du học, lực hấp dẫn đã mang dẫn đường cho mình từng bước, từng bước đến với thông tin về du học Trung Quốc.
Năm nay mình đã đỗ học bổng CIS toàn phần – một năm tiếng của Đại học Vân Nam (云南大学) – YNU
Ngoài ra mình còn nhận được các học bổng online:
- Khóa 3 tháng của Đại học Kiến Trúc Thẩm Dương (SJU)
- Khóa 3 tháng của Đại học Sư Phạm Hoa Đông (ECNU)
- CIS 1 năm tiếng Online của Đại học Giao Thông Bắc Kinh (BJTU)
Hiện mình đã bảo lưu học bổng của YNU để năm sau sang học. Đang học khóa online của ECNU và BJTU.
Giới thiệu đôi nét về mình, mình tốt nghiệp Đại học năm 2018, sau đó mình đi làm và năm nay mình apply học bổng. Tốt nghiệp xong rồi đi làm, mình cũng không nghĩ là sẽ học lên thêm hay đi du học, nhưng chuyện gì cũng có sự thay đổi khi mình mỗi ngày một đổi thay – “Điều duy nhất không đổi là sự thay đổi.”
Hồ sơ của mình khi apply:
- GPA Đại học 7.53/10
- HSK 4 (250 điểm) và HSKK Trung Cấp (66 điểm)
- Giải thưởng: 3.1. Giải ba “Giải toán trên Internet” cấp Huyện (THCS); 3.2. Giải khuyến khích kỳ thi Olympic Tiếng Anh cấp Huyện (THCS)
- Chứng chỉ hoạt động: 4.1. Xuân Tình Nguyện; 4.2. Chương trình Giao lưu Văn hóa tại Thái Lan; 4.3. Chương trình Giao lưu Văn hóa tại Nhật Bản
- Thư giới thiệu của địa điểm thi HSK/HSKK (bắt buộc với học bổng CIS): Thư giới thiệu của ĐH Sư Phạm TP. HCM
- Thư giới thiệu của Cố vấn học tập (bậc thạc sĩ): không bắt buộc, thêm vào cho đẹp hồ sơ
- Application Statement (200 – 800 Words)
So với những bạn khác trong cộng đồng thì hồ sơ của mình không tính là đẹp. Nhưng khi thần cơ hội gõ “Cốc Cốc Cốc” vào cánh cửa nhà mình, mình đã mở cửa, nhận lấy Cơ Hội đó bằng cách “say yes” trước, còn việc làm như thế nào thì mình đã từng bước tìm cách, gỡ rối mớ hỗn độn gặp phải trên đường đi.
Trong một buổi phỏng vấn các vận động viên nhảy dù, họ chia sẻ là nhảy dù không khó, khó khăn lớn nhất là làm như thế nào vượt qua nỗi sợ lúc trước khi nhảy xuống. Hãy tự tin và vượt qua nỗi sợ, sự đắn đo của bản thân. Ở đây mình chỉ muốn chia sẻ thêm là:
- Với những bạn hồ sơ đẹp, chúc mừng các bạn, trước đó các bạn đã nỗ lực rất nhiều, thời gian trồng cây tốt nhất của các bạn là 20 năm trước, bạn hãy bước tiếp và vun đắp cho cây của mình sai quả nhé;
- Với những bạn cảm thấy rằng hồ sơ của mình chưa đủ mạnh, vì nhiều nguyên nhân mình chưa đạt được các thành tích cao trước đó, hiện tại mình muốn thực hiện ước mơ du học, thì chúc mừng các bạn, thời điểm trồng cây tốt thứ hai đã đến với các bạn – đó là ngay bây giờ.
Hãy đọc thật cẩn thật các bài chia sẻ của các bạn đã đỗ, chưa đổ học bổng để tìm điểm nổi bật hồ sơ của mình, hoặc là kiên nhẫn hơn trong việc xây dựng hồ sơ mạnh hơn trong 1-2 năm tiếp theo (có thể là chứng chỉ hoạt động, chứng nhận ngoại ngữ điểm cao).
Quan điểm của mình là: Đừng nghĩ nhiều, hãy hành động, biết đâu “vũ trụ đáp lời” cho sự nỗ lực của bạn sớm, còn chưa đủ duyên, bạn cũng có thể có được lấy kinh nghiệm về cách chuẩn bị giấy tờ, quy trình apply,…
“Mọi thứ tới hồi kết sẽ ổn hết thôi, nếu chưa ổn nghĩa là chưa đến hồi kết.” (John Lennon)
Các phần tiếp theo mình sẽ chia sẻ về quy trình trong kế hoạch apply học bổng, cách học và ôn thi HSK/HSKK của mình và một số lưu ý khi đăng ký thi HSK/HSKK đối với các bạn thi ở điểm thi Đại học Sư phạm Thành phố Hồ Chí Minh (HCMUE).
Tìm hiểu, sàng lọc và trích xuất thông tin cần thiết cho mình
Robin Sharma nói: “Mọi thứ thay đổi đều khó khăn lúc đầu, lộn xộn lúc giữa chừng và đẹp đẽ khi kết thúc.”. Hãy cố gắng cụ thể hóa những gì mình làm bằng việc lập kế hoạch, trình bày rõ ràng và có thể tracking được. Cách mình làm như sau:
- Tạo một thư mục Google Drive tất tần tật về học bổng. Mình đặt tên là SCHOLARSHIP: mình xem đây là đứa con của mình nên mình đã chăm chút và bỏ vào đây những thông tin bổ ích nhất
- Tạo một file Google Sheet để nhập những thông tin đã thu thập được và phân loại vào đây, mỗi sheet là một bước trong quy trình apply học bổng.
- Thư mục chứa các file scan: phần này mình sẽ nói chi tiết bên dưới
Các bạn có thể tham khảo template của mình Tại đây
Người có nhiều thông tin là người có nhiều cơ hội nhất, người biết sử dụng thông tin hiệu quả là người có khả năng biến cơ hội thành sự may mắn. Thời đại ngày nay, chỉ sợ mình đang không biết cái mình không biết thôi, còn lại thì chỉ cần có các “key word” lóe lên trong đầu, mình đã có thể có rất nhiều thông tin và nhiệm vụ mình cần làm là học cách “sort và filter” những thông tin mình cần. Nổ lực thật ra đơn giản là không lười mài mò nghiên cứu.
Lúc đầu mình chỉ xác định là du học Trung Quốc dạng học bổng và lúc đó mình mong muốn học MBA hoặc Quản trị Nguồn Nhân Lực. Nhưng sau khi tìm hiểu về các tiêu chí của các học bổng và xác định vị trí mình đang đứng cũng như được sự tư vấn của anh Trần Ngọc Duy, mình đã quyết định apply CIS học tiếng trước để cải thiện về ngoại ngữ của mình.
Các bước mình đã làm khi apply học bổng
Việc đầu tiên là tìm hiểu thông tin của các loại học bổng
Học bổng du học Trung Quốc ngoài CSC, CIS còn có rất nhiều loại khác như Trần Gia Canh, học bổng tỉnh, học bổng trường,… Mỗi loại như vậy sẽ có tiêu chí, yêu cầu, chính sách học bổng riêng. Hãy tạo một sheet để khi nghiên cứu được thông tin gì, mình bỏ vào sheet thì sẽ nhìn được tổng quan, không bị quên, bị nhầm hồ sơ và tiêu chí.
Đồng thời mình cũng lên được danh sách những giấy tờ cần chuyển bị để có thể apply cùng lúc nhiều học bổng để có nhiều sự lựa chọn hơn.
Các bạn có thể tham khảo tại Sheet 01. Thông tin học bổng (vì mình chỉ tìm hiểu CIS là chính nên mình để thông tin mình tìm hiểu lại, các học bổng khác mình không có nhiều thông tin, các bạn tìm hiểu nguồn khác nhé).
Việc thứ hai là chọn trường
Cũng tương tự như tìm hiểu học bổng, mình cũng tạo file để có lọc ra những thông tin mình cần trong một biển thông tin. Việc này giúp mình biết trường nào phù hợp với mục tiêu của mình hơn. Vì mục tiêu của mình là sẽ tận dụng thời gian một năm để tập trung học tiếng Trung ở Trung Quốc để có môi trường giao tiếp và phản xạ và thêm nữa là mình cũng muốn du lịch cũng như trải nghiệm nền văn hóa ở đất nước này. Nên tiêu chí của mình là:
- Trường thuộc dự án 985 và 211 là được: Vì trường rank cao quá hồ sơ của mình sẽ khó cạnh tranh. Bên cạnh đó mình nghĩ rằng chỉ cần có môi trường để mình thường xuyên sử dụng ngôn ngữ đó thì sẽ lên trình nhanh thôi. Tuy nhiên nếu các bạn có hồ sơ đẹp và có dự định dài hạn sẽ học cao hơn thì mình nghĩ nên có kế hoạch chọn trường rank cao sẽ là điểm cộng trong hồ sơ sau này. (Tìm hiểu về: Dự án 985 và 211 của Chính phủ Trung Quốc)
- Vị trí địa lý và khí hậu: phần này với mình khá quan trọng vì mình tình trạng sức khỏe của mình không cho phép sống ở khu vực có khí hậu quá lạnh. Bên cạnh đó, mình sống ở khu vực miền Tây và TP. HCM chỉ có 2 mùa “nóng và nóng hơn nữa” nên mình cũng muốn tìm vùng đất khí hậu mát mẻ hơn và nơi cho mình một năm trải nghiệm du lịch và văn hóa. Cuối cùng mình đã chọn thành phố Côn Minh – Vân Nam.
- Ghi chú: Mình đã vào trang web trường Đại học Vân Nam để xem thông tin học bổng CIS và lấy thông tin liên hệ trường. Vì năm nay tình hình dịch bệnh diễn biến phức tạp, mình lại không muốn học online nên trước khi apply Đại học Vân Nam mình đã gửi mail sang trường để hỏi rằng có thể được bảo lưu nếu không sang học được vì Covid không. Trường phản hồi mail khá nhanh và xác nhận là có thể bảo lưu một năm và thế là Vân Đại thẳng tiến thôi!
- Chi phí sinh hoạt: Đây cũng là một mục đáng quan tâm, mình có thể xem thêm review về thành phố tương lai mình sẽ đến để có thể chuẩn bị về mặt tài chính trong trường hợp học bổng không thể cover hoàn toàn các chi phí.
Nguyện vọng 2 của mình là Đại học Kinh Tế Tài Chính Giang Tây – 江西财经大学 (mình chọn trường này vì biết qua một anh khóa trên trường này có cho bảo lưu học bổng 1 năm).
Apply CIS cần có những gì?
- Hãy đọc cẩn thận thông tin trên trang web của trường mình dự định sẽ apply để chuẩn bị giấy tờ
- Đối với các bạn lần đầu tiên apply thì lời khuyên của mình là hãy vào trang https://cis.chinese.cn/ và tạo Application code và khám phá xem trên đó cần đính kèm các file gì.
Về phần này, mình đã tạo file để tracking rất cẩn thận. Sau khi scan giấy tờ xong, mình đã upload tất cả lên google drive, dẫn đường link để dễ theo dõi.
Các bạn có thể xem hình bên dưới, mình đã copy template lại cho các bạn. Đồng thời mình cũng có ghi chú chi tiết các lưu ý cho từng loại giấy tờ. Tham khảo thêm Tại đây
Làm như thế nào để xin được Giấy giới thiệu của Đại học Sư Phạm Thành phố Hồ Chí Minh (HCMUE)
Mình thi HSK/HSKK ở HCMUE nên mình sẽ chia sẻ cách xin nhé. Năm nay thì HCMUE yêu cầu hẳn một bộ hồ sơ hợp lệ mới cấp giấy thiệu.
Sau khi lấy điểm thi HSK/HSKK xong mình đã viết mail cho trường để hỏi quy trình xin thư giới thiệu, trường đã phản hồi lại mail và yêu cầu chuẩn bị các giấy tờ. Sau đó gửi bản giấy về Khoa tiếng Trung của HCMUE và gửi bản scan qua mail. Mình đã liệt kê lại và ghi chú rất rất chi tiết trong sheet. Các bạn tham khảo tại Tại đây
Lưu ý về đăng ký thi HSK/HSKK của HCMUE
Điều kiện tiên quyết khi mình apply học bổng đó chính là chứng chỉ ngoại ngữ còn thời hạn, nên các bạn nhớ sắp xếp thi sớm nhất có thể, tự tiêm cho mình liều thuốc an tâm.
Dành cho các bạn lần đầu tiên thi HSK/HSKK như mình
1. Địa điểm thi: Theo như mình biết, ở HCM thì có HCMUE là điểm tổ chức thi (điều này mình không chắc lắm)
2. Cách đăng ký:
- Hãy like và cài chế độ ưu tiên cho Fanpage của Khoa tiếng Trung. Bởi vì tất cả lịch thi, ngày trả kết quả đều post trên đây. Link Fanpage: Tại đây
- Tại sao phải cài chế độ ưu tiên: Bởi vì số người đăng ký thi rất rất nhiều và rất nhanh hết slot.
- Có hai hình thức: đăng ký online và offline. Mình khuyên các bạn hãy chuẩn bị sẵn sàng để tất cả để đăng ký online (ảnh phông nền trắng chuẩn quốc tế và tiền trong tài khoản – internet banking, chuyển khoản tới ngay), mình rút ra từ câu chuyện xương máu đấy.
Chuyện kể rằng: Mình vô tình thấy các group học tiếng Trung share thông tin của Fanpage khoa Tiếng Trung về lịch thi thì mới biết đây là kênh chính thống duy nhất (theo mình biết) post lịch thi HSK/HSKK. Mình dự định sẽ đăng ký offline (đến trực tiếp khoa đăng ký) vì mình sợ chuyển tiền online sẽ gặp trục trặc nhưng sau đó “tấm chiếu mới” là mình đã nhận ra mình hết slot.
Lúc mình thấy thông báo là đầu tháng 10, mở đăng ký cho kỳ thi tháng 12. Mình cứ tưởng là hết cơ hội rồi. Ten Ten Tèn, một ngày giông bão (bão vào Việt Nam thật các bác ạ), mình đang vi vu ở SaPa thì thấy bài post cho mở kỳ đăng ký bổ sung do trước đó dịch bệnh nhiều người chưa thi được, dồn lịch thi vào cuối năm.
Mình như một tia chớp, mở điện thoại và đăng ký online (cần chuẩn bị sẵn file ảnh phông nền trắng và tiền là được). Kỳ thi của mình là đầu tháng 12 nhưng do dịch bệnh lại dời đến 26/12. Mình thi HSK 4 buổi sáng, HSKK buổi chiều.
- Điểm thi HSKK có sau 15 ngày, HSK từ 25-30 ngày. Mình có thể tra online điểm mình trước qua trang: http://www.chinesetest.cn/goquery., chỉ cần nhập số báo danh và thông tin cá nhân. Có thể tham khảo cách tra cứu Tại đây.
- Phiếu điểm thì gửi về khoảng 1 tháng kể từ ngày biết kết quả thi. Theo dõi trên fanpage Khoa tiếng Trung để khi nào báo lên nhận kết quả thì mình lên nhận.
Timeline
Timeline là phần rất quan trọng, mình nghĩ là mọi người nên lập ra để không bị trễ deadline. Năm trước vào mùa này mình còn chưa chuẩn bị gì ngoài việc là sẽ tập trung ôn thi HSK. Nên mình chỉ lên lịch là thi vào tháng 12. Sau đó sang tháng 1 mình mới bắt đầu lên timeline để chạy gấp các giấy giờ.
Quan trọng nhất là phải canh được lịch thi HSK/HSKK, các bạn cũng thấy rồi thời gian từ lúc thi đến lúc lấy được giấy điểm tầm 2 tháng, thêm 14 ngày để lấy được giấy Giới thiệu của HCMUE nữa, tổng thời gian là 2.5 tháng. Nếu không chặt chẽ về thời gian thì mình sẽ rất dễ trễ deadline. Mình chia sẻ với mọi người timeline của mình năm trước như hình bên dưới nhé.
Mình đã đầu tư bao nhiêu tiền cho lần apply này
Mình cũng được hỏi rất nhiều là: Apply học bổng này đã dùng bao nhiêu tiền? Mình dùng từ “Đầu tư” nhé vì mình cho rằng khi muốn đạt được điều gì thì mình cũng cần bỏ ra công sức và tiền bạc. Mình có thống kê lại các khoản “đầu tư” như sau, số này chưa chính xác hoàn toàn nhưng gần đúng nhé, có thể là thấp hơn mức này một ít. Các bạn có thể tham khảo hình bên dưới, mình cũng đã để trong google sheet Tại đây.
Chia sẻ về trải nghiệm ôn thi HSK 4 của mình
Phần này mình xin chia sẻ nhanh về cách ôn thi của mình. Mình học tiếng Trung tại trung tâm từ năm 2 Đại học, nhưng lúc đó vừa học vừa chơi, học kiểu vì thích nên cũng không lên nhanh. Phần vì giáo trình trung tâm dạy cũng khá chậm.
Sau đó mình vẫn duy trì việc học đến nửa năm sau khi đi làm. Rồi nghỉ học vì cô giáo dạy lớp mình không dạy nữa, mình không tìm được người nào dạy hay như cô, nên quyết định tạm thời nghỉ. Thêm nữa lúc đó mình thấy là bản thân đã có thể tự học được rồi. Bắt đầu đi làm, công việc bận rộn nên thật ra mình cũng không chuyên tâm siêng năng học như trước.
Cuối cùng mình cũng bỏ tiếng Trung vì thật sự không sắp xếp được thời gian. Nhưng mình vẫn duy trình việc nghe nhạc, xem chương trình thực tế của Trung vì thích nên phần nghe cũng không bị giảm.
Bắt đầu quyết định thi mình như yêu lại từ đầu với tiếng Trung. Lúc thi thử ở trung tâm mình không ôn gì và thi được HSK4 189 điểm. Lúc bắt đầu ôn lại mình định thi HSK5, học được vài tuần thấy khả năng chưa đủ nên quyết định thi bậc 4 trước. Như mình chia sẻ, công việc của mình rất bận nên vào tháng cuối cùng khi thi mình mới thật sự ôn.
Mình học theo Giáo Trình Chuẩn và thấy là từ vựng, ngữ pháp rất sát đề thi. Các bước của mình như sau:
- Đầu tiên mình cũng tìm hiểu và đọc các bài hướng dẫn ôn trên mạng, nghiên cứu HSK4 sẽ tập trung vào những gì, từng phần cần lưu ý gì, các tips thi (1 ngày tập trung cho việc này). Xem tips đi thi tại trang này – Tại đây.
- Học từ vựng: mỗi ngày 100 từ, ngày hôm sau bắt buộc phải viết lại những từ của ngày hôm trước, ngày nào cũng học. Thật ra trong 100 từ sẽ có những từ mình đã biết rồi, chỉ cần ôn lại thôi nên số lượng cũng không quá nhiều. Mình vào trang này tìm bộ từ vựng HSK 4 vì từ vựng trong này theo Giáo trình Chuẩn – Tại đây.
- Dành một ngày tổng hợp ngữ pháp: Vì mỗi một chủ điểm ngữ pháp sẽ được nhiều trang chia sẻ khác nhau, có khi quá nhiều có khi lại chưa thật sự chính xác. Mình thấy khó chịu nên đã dành thời gian tổng hợp lại để tự xem lại. Dưới đây là 2 phần ngữ pháp mình đã tổng hợp trên internet, các bạn có thể tham khảo:
Sau khi học từ vựng, ôn ngữ pháp mình mới bắt đầu làm đề. Từ lúc ôn đến lúc thi mình đã làm 3 đề (vì bận quá không có thời gian). Đề thi thì lên google search và in ra làm thôi, chủ yếu là mình luyện để quen với việc canh thời gian. Đọc chữ chạy hơn để nhớ từ.
Lúc làm đề, bài nghe mình làm sai chỉ 2 câu, đọc thì không kịp giờ, viết thì cũng ổn. Khi đi thi thì nghe mình bị khớp hơn, ngạc nhiên là đọc lại dư 5-10 phút, viết thì làm không kịp.
Tips: Khi mở đề, lúc giám khảo kêu kiểm tra đề, hay lật nhanh sang phần đọc, nhìn vào các từ gợi ý và bức tranh để mình có thể suy nghĩ trong lúc làm bài nếu bài đọc còn dư thời gian. Thêm nữa là có những từ mình đặt câu nhưng không nhớ cách viết thì cũng có thể tìm trong bài đọc rồi viết ra trước. Tăng tốc độ viết nhé, bài viết trôi qua rất nhanh, mình bỏ mấy câu vì làm không kịp 🙁
Trên đây là những chia sẻ chi tiết của mình. Hy vọng có thể mang đến giá trị cho các bạn! Hãy ấn cho mình một nút like bên dưới để lấy động lực nha. Bạn nào muốn nghe tiếp câu chuyện của mình để có thêm lửa thì đọc tiếp đoạn cuối!
Như các bạn thấy hồ sơ của mình không có gì nổi bật. Từ một ý niệm hiện lên là muốn đi du học, mọi thứ thông tin tự nhiên đến với mình. Và điều may mắn nhất có lẽ là mình đã có cơ hội biết đến group Hội Tự Apply học bổng Trung Quốc – đây là một cộng động lành mạnh và mọi người rất có tâm chia sẻ những câu chuyện và thông tin của mình.
Mình cảm ơn những bạn đã viết bài chia sẻ, tư vấn và trả lời những câu hỏi được post trong group. Cảm ơn anh Trần Ngọc Duy đã duy trình và phát triển một cộng đồng như thế, đã giúp bao người tiến gần đến ước mơ của mình.
Ban đầu mình hoang mang đã liên hệ, chat với anh Duy để nhờ anh tư vấn về điểm của hồ sơ của mình, rồi cũng có hỏi giá dịch vụ dịch thuật bên anh nhưng lại không dùng (do mình ở HCM, mình tìm được chỗ dịch thuật hồ sơ gần chỗ làm của mình) nhưng khi hỏi anh đều nhiệt tình trả lời qua tin nhắn hoặc điện thoại.
Gần đây mình nhận được học bổng CIS online một năm tiếng của Đại học Giao Thông Bắc Kinh (BJTU) cũng nhờ anh tư vấn việc không chuẩn bị kịp Lý lịch tư pháp (do HCM ai ở đâu ở đó đấy).
Từ lúc quyết định đến lúc thực hiện mình không nghĩ nhiều chỉ làm những việc nên làm, mỗi việc đều chăm chút, đặt ra tiêu chuẩn và cố gắng hết sức, còn lại thì để vũ trụ quyết định. Mỗi một người đều có những sự cản trở riêng. Như mình đã đi làm, công việc đang phát triển khá tốt.
Nếu dừng lại 1 năm để đi học tiếng hay 2 năm để đi học Thạc thì khi mình quay về có thể bạn bè cùng lứa đã lên quản lý hay chuyên môn tốt hơn và thu nhập cũng cao hơn. Có thể lúc mình học xong lại bắt đầu lại từ đầu. Cũng có thể học xong mình sẽ có nhiều cơ hội hơn. Ai biết trước được ai sẽ là ai trong tương lai, ai sẽ là ai trong tương lai của ai đó.
Mình nghĩ đơn giản lắm: Hãy làm những gì mình muốn làm bằng thời gian mình có, trước năm 30 tuổi mình sẽ dành thời gian cho bản thân mình, làm những điều mình muốn làm. Sau năm 30 tuổi mình sẽ có nhiều ràng buộc hơn, nhiều điều muốn bỏ nhưng lại chần chừ, có lẽ thích an phận hơn, mình sẽ dành thời gian này cho những người thân yêu và làm nhiều việc cho đi, mang tính cộng đồng hơn.
Bạn biết không khi mình nói ra mong muốn đi du học của mình thì rất nhiều đồng nghiệp – những người có chuyên môn cao, quản lý, giám đốc khuyên đó không phải là một bước tiến dài trong sự nghiệp, chỉ là sở thích nhất thời và cho rằng mình không tập trung, muốn làm quá nhiều thứ. Lúc đó mình đã từng nghi ngờ, muốn dừng lại nhưng mình đọc những bài review của các bạn mình lại khát khao hơn.
Những lúc mình thấy sợ rằng quyết định của mình không đúng, mình sẽ tự nhủ rằng: Tốc độ và gia tốc của bản thân là do mình quyết định, hãy chăm sóc cỏ nhà mình, đừng lúc nào cũng nhìn vào đám cỏ xanh nhà hàng xóm.
Những lúc quá nhiều người làm mình nghi ngờ về quyết định của bản thân, mình sẽ tự nhủ rằng: “Kiên trì với sự kiên trì của bản thân, người khác sẽ hoài nghi với sự hoài nghi của họ.”
Những lúc gặp khó khăn, hồ sơ bị trục trặc, mình sẽ tự nhủ: “Mọi thứ tới hồi kết sẽ ổn hết thôi, nếu chưa ổn nghĩa là chưa đến hồi kết.” (John Lennon)
Những lúc mình thấy hài lòng về bạn thân, sẽ luôn có một giọng nói nhắc nhở rằng: “Nếu mọi thứ dường như đều trong tầm kiểm soát thế nghĩa là bạn đi chưa đủ nhanh.” (Mario Andretii)
Mình luôn nhớ rằng: “你做梦时总有人努力“ (Khi bạn đang mơ, người khác đang nổ lực) và cố gắng thêm một chút nữa thôi mình sẽ tốt hơn mỗi ngày.
Mình cũng có những lúc rất lười, lười lắm, ngủ, xem phim, đọc truyện cả ngày, đó là thời gian mình sạc pin, cho phép bản thân mình sống thoải mái, nhưng phải mạnh mẽ và quyết tâm khi ra “chiến trường”.
Đọc sách luôn là một thói quen mình luôn luôn rèn luyện và thật sự phát triển rất nhiều, nhất là về tư duy. Nếu cần động lực cho sự phát triển bản thân khi còn trẻ, mình recommend những quyển sau (mình đã đọc hết các quyển dưới đây, có quyển còn đọc nhiều lần):
1. Khi Bạn Đang Mơ, Người Khác Đang Nỗ Lực – Vĩ Nhân
2. Bạn Đắt Giá Bao Nhiêu – Vãn Tình
3. Không Sợ Chậm, Chỉ Sợ Dừng – Vãn Tình
4. Đời Ngắn Đừng Ngủ Dài – Robin Sharma
5. Đừng Lựa Chọn An Nhàn Khi Còn Trẻ – Cảnh Thiên
6. Sống Thực Tế Giữa Đời Thực Dụng – Mễ Mông
7. Ai Sẽ Khóc Khi Bạn Lìa Xa – Robin Sharma
Hãy nghe con tim mình mách bảo và làm những điều bạn nghĩ là bạn nên làm. Hãy “say yes” và bắt tay vào làm. Cơ hội sẽ đến cho những ai có sự chuẩn bị. 🙂
Chúc Bạn may mắn và năm sau Bạn cũng có một bài viết giống mình để đơn giản là ghi lại vào tuổi thanh xuân tươi đẹp này!