Trải qua hàng nghìn năm, đất nước Trung Quốc không chỉ có lịch sử lâu đời mà còn sáng tạo nên rất nhiều câu chuyện dân gian có tính giáo dục cao, không chỉ nổi tiếng ở Trung Quốc mà còn có rất nhiều các quốc gia khác trên thế giới đều biết tới.
Hôm nay, hãy cùng du học Trung Quốc Riba điểm lại 4 câu chuyện dân gian nổi tiếng nhất Trung Quốc nhé!
Tìm hiểu về 4 câu chuyện dân gian nổi tiếng nhất Trung Quốc
Ngưu Lang Chức Nữ (Chàng chăn bò và nàng thợ dệt)
Giới thiệu sơ lược
Ngưu Lang Chức Nữ (chữ Hán: 牛郎織女), còn có tên gọi khác theo ngôn ngữ Việt Nam là Ông Ngâu Bà Ngâu, là một câu chuyện cổ tích rất nổi tiếng của Trung Quốc.
Câu chuyện nổi lên từ thời nhà Hán qua lễ Thất tịch, theo dòng chảy văn hóa câu chuyện này lan qua các nước Hàn Quốc, Nhật Bản và Việt Nam.
Do sự phổ biến và tính văn hóa cao, câu chuyện này trở thành một trong Tứ đại dân gian truyền thuyết của Trung Hoa, bên cạnh Bạch Xà truyện, Mạnh Khương Nữ và Lương Sơn Bá – Chúc Anh Đài.
Truyện cổ tích này có liên quan đến các sao Chức Nữ (Vega) và sao Ngưu Lang (Altair), dải Ngân Hà và hiện tượng mưa ngâu diễn ra vào đầu Tháng bảy m lịch ở Việt Nam, ở Trung Quốc gọi là lễ Thất tịch.
Truyền thuyết gốc
Chàng chăn bò trẻ tuổi tên Ngưu Lang (牛郎) nhìn thấy bảy cô tiên xinh đẹp đang tắm trong hồ và đang đùa giỡn vui vẻ với nhau.
Được cổ vũ bởi người bạn đồng hành tinh quái là một con bò đực, chàng đã lấy trộm váy áo của các nàng tiên và chờ đợi xem điều gì sẽ xảy ra. Các nàng tiên đã cử cô em út và xinh đẹp nhất có tên gọi là Chức Nữ (織女) ra để lấy lại váy áo.
Nàng đành phải làm theo, nhưng do Ngưu Lang đã nhìn thấy thân thể trần tục của Chức Nữ nên nàng đành chấp thuận lời cầu hôn của chàng (đúng như câu “Nam nữ thụ thụ bất thân” của lễ giáo phong kiến).
Nàng đã chứng tỏ mình là một người vợ tuyệt vời, còn Ngưu Lang là một người chồng tốt và họ đã sống bên nhau hạnh phúc.
Nhưng Thiên Hậu – trong một số dị bản là mẹ Chức Nữ – nhận ra rằng một kẻ tầm thường (tức Ngưu Lang) lại dám cưới một nàng tiên đẹp và bà đã rất tức giận (trong các dị bản khác, Thiên Hậu bắt Chức Nữ quay lại làm công việc dệt các đám mây ngũ sắc trên bầu trời vì nàng đã không làm công việc đó kể từ khi lấy chồng).
Vì thế Thiên Hậu đã dùng trâm cài tóc của mình vạch ra một con sông rộng trên bầu trời để chia cắt đôi tình lang mãi mãi. Đó là lí do sông Ngân được ra đời. Và trên thực tế người ta nhìn thấy các sao Ngưu Lang và Chức Nữ nằm ở hai bên của dải Ngân Hà.
Chức Nữ phải vĩnh viễn ngồi trên một bờ sông, buồn bã dệt vải, còn Ngưu Lang chỉ nhìn thấy vợ mình từ xa và phải chịu trách nhiệm nuôi hai con (tức hai ngôi sao bên cạnh nó là Aquila -β và -γ).
Nhưng có một ngày, tất cả các con quạ cảm thấy thương hại họ và chúng bay lên trời để làm cầu (鵲橋, “Ô kiều”) phía trên sao Deneb trong chòm sao Cygnus để đôi vợ chồng có thể gặp nhau trong một đêm, là đêm thứ bảy của tháng Bảy âm lịch.
Tuy nhiên vì thương tiếc cho đôi vợ chồng Ngọc Hoàng đã đặc xá cho Ngưu Lang và Chức Nữ mỗi năm được gặp nhau một lần và đồng thời cũng trong thời gian đó Ngưu Lang đã tìm được quả “Hoa Tiên” (là quả mà Hằng Nga đã từng ăn) vì vậy Ngọc Hoàng cùng với Vương Mẫu đã cho Ngưu Lang và chức Nữ cùng ở bên nhau nuôi con mãi mãi không bao giờ chia lìa.
Bạch Xà Truyện
Giới thiệu sơ lược
Bạch xà truyện (白蛇傳), còn có tên là Hứa Tiên và Bạch Nương Tử (許仙與白娘子) là một trong bốn truyền thuyết dân gian lớn của Trung Quốc.
Câu chuyện ra đời vào thời Nam Tống hoặc sớm hơn và được lưu truyền rộng rãi dưới thời nhà Thanh, là sản phẩm sáng tác tập thể của dân gian Trung Quốc.
Nội dung Bạch Xà truyện miêu tả câu chuyện tình yêu giữa một Bạch xà tinh tu luyện thành người (Bạch Nương Tử) và một chàng trai ở trần gian (Hứa Tiên).
Câu chuyện đã nhiều lần được chuyển thể thành Kinh kịch, phim điện ảnh và phim truyền hình. Còn tại Việt Nam, Bạch Xà truyện đã được dựng thành cải lương.
Một trong những văn bản sớm nhất ghi lại câu chuyện này là Bạch Nương Tử vĩnh trấn Lôi Phong tháp (白娘子永鎮雷峰塔) trong Cảnh thế thông ngôn của Phùng Mộng Long, được viết vào thời Minh.
Truyền thuyết gốc
Một trong các văn bản kể lại như sau: Lã Động Tân, một trong những bát tiên trong truyền thuyết, bán thuốc ở cầu Đoạn Kiều bên Tây Hồ. Khi Hứa Tiên còn nhỏ mua một viên thuốc tiên về uống, kết quả 3 ngày 3 đêm không muốn ăn gì cả, vội vã đi tìm Lã Động Tân.
Lã Động Tân phải mang Hứa Tiên đến Đoạn Kiều, dốc ngược 2 chân lên, viên thuốc bị thổ ra rớt xuống Tây Hồ. Sau đó bị Bạch Xà (Bạch Nương Tử) tu luyện trong hồ nuốt phải, tăng thêm 500 năm công lực, Bạch Xà nhân đó kết mối nhân duyên với Hứa Tiên.
Con rùa đen cũng tu luyện tại đó, sau này là Pháp Hải hòa thượng, vì không nuốt được viên thuốc nên mang lòng căm hận Bạch Xà.
Bạch Xà nhìn thấy một người ăn xin cầm trong tay một con Thanh Xà và vì muốn lấy mật rắn bán lấy tiền nên Bạch Xà bèn hóa thân thành người đi mua Thanh Xà (Tiểu Thanh), từ đó Thanh Xà nhận Bạch Nương Tử làm chị.
Ngày Thanh minh 18 năm sau, Bạch Xà biến phàm xuống núi, hóa thân thành Bạch Nương Tử. Nàng và Tiểu Thanh cùng đến Hàng Châu, bên cầu Đoạn Kiều đi chơi nhưng gặp phải mưa.
Nhờ có Hứa Tiên cho mượn ô, 2 người từ đó quen biết nhau. Bạch Nương Tử và Hứa Tiên không lâu sau thành thân, dời qua Trấn Giang mở hiệu thuốc.
Pháp Hải biết chuyện Bạch Nương Tử và Tiểu Thanh là yêu quái nên nhiều lần phá hoại quan hệ giữa Bạch Nương Tử và Hứa Tiên.
Hứa Tiên tin lời Pháp Hải, vào tết Đoan ngọ dùng rượu Hùng hoàng cho Bạch Nương Tử uống say, khiến nàng hiện nguyên hình là rắn. Hứa Tiên thấy vậy kinh hãi mà chết.
Bạch Nương Tử vì cứu chồng, mạo hiểm tính mạng đến núi Côn Luân trộm cỏ tiên. Hứa Tiên sống lại bị Pháp Hải bắt nhốt tại chùa Kim Sơn, Trấn Giang, và không cho vợ chồng họ đoàn tụ.
Bạch Nương Tử vì muốn cứu Hứa Tiên, cùng Tiểu Thanh đấu pháp với Pháp Hải, dẫn nước Tây Hồ tràn ngập chùa Kim Sơn, nhưng vì Bạch Nương Tử có thai nên không cứu được Hứa Tiên.
Hứa Tiên trốn về Hàng Châu, tại Đoạn Kiều gặp lại Bạch Nương Tử. Pháp Hải dùng Phật pháp nhốt Bạch Nương Tử trong tháp Lôi Phong, chia rẽ Hứa Tiên và Bạch Nương Tử, Tiểu Thanh may mắn trốn thoát được.
20 năm sau, con của Bạch Nương Tử đỗ Trạng nguyên, áo gấm về làng tế mẹ. Tiểu Thanh tu luyện đã thành, trở về Kim Sơn, đánh thắng Pháp Hải.
Sau đó phá được tháp Lôi Phong và cứu được Bạch Nương Tử. Nước Tây Hồ cạn, Pháp Hải không có chỗ trốn, thân mặc áo bào màu vàng trốn vào bụng cua.
Cuối cùng vợ chồng Hứa Tiên đoàn tụ còn Pháp Hải phải sống trong bụng cua, cho nên ngày nay mỡ trong bụng cua mang màu vàng của áo bào hòa thượng.
Mạnh Khương Nữ
Giới thiệu sơ lược
Mạnh Khương Nữ (chữ Hán: 孟姜女), hay Mạnh Khương Nữ khóc Trường Thành (孟姜女哭长城) là một câu chuyện cổ tích, truyền thuyết dân gian rất nổi tiếng của Trung Quốc. Câu chuyện kể về một người vợ vì chồng mất khi xây dựng Vạn Lý Trường Thành đã than khóc và làm sụp đổ một góc thành.
Nhân vật nữ Mạnh Khương không phải họ Mạnh, mà là một cách đặt tên phổ biến thời Tiên Tần. Nàng ta mang họ Khương, một họ phổ biến của các quân chủ nước Tề và dòng dõi tông thất, và từ Mạnh để chỉ người con trưởng nhất của người vợ lẽ.
Nguồn gốc và câu chuyện
Tuy các dị bản phổ biến của câu chuyện đều thống nhất bối cảnh là vào thời Tần Thủy Hoàng của triều đại nhà Tần, nhưng những dòng đầu tiên được đề cập, mà các học giả cho rằng là khởi nguồn của câu chuyện, bắt đầu từ thời Xuân Thu, thông qua Tả truyện.
Câu chuyện kể rằng sau khi một người lính nước Tề tên Kỷ Lương (杞梁) bị chết trận, Tề Trang công đã gặp vợ của họ Kỷ trên đường và sai người gửi lời chia buồn đến người vợ trẻ, lúc này chỉ ghi chung chung là vợ của Kỷ Lương.
Người vợ từ chối lời chia buồn khi đang giữa đường, và Trang công đã phải mời vào trọ quán và chỉ rời đi khi các nghi lễ tưởng niệm hoàn tất.
Vào thời nhà Hán, học giả Lưu Hướng đã phát triển câu chuyện này trong tác phẩm Liệt nữ truyện của ông, một tác phẩm ghi chép về hành vi phụ nữ thời Tiên Tần và Hán nhằm mục đích chuẩn mực hóa đức tính của phụ nữ.
Trong tác phẩm này, người vợ của Kỉ Lương vẫn chưa có tên gọi cụ thể, và câu chuyện nói rằng: “Sau khi chồng chết, người vợ không có con cái, không có họ hàng và cũng không còn nơi nào để đi.
Nàng cuốn gém xác chồng, chôn xác dưới góc tường thành và nổi đau buồn của nàng ta làm cho bất cứ người đi đường nào cũng cảm động rơi lệ. Khoảng 10 ngày sau, một góc bức tường bị đổ sụp.
Sau khi nghi lễ an táng cho chồng hoàn thành, nàng ta bày tỏ sự tiếc thương bằng việc than vãn rằng không thể làm gì khác ngoài chết.
Theo nhiều các phiên bản khác nhau, nhưng đều có sự tương đồng nhất định, câu chuyện đại khái được kể rằng: Ngay trong đêm tân hôn của Mạnh Khương Nữ với tân lang, chồng Mạnh Khương Nữ bị triều đình bắt đi xây dựng Vạn Lý Trường Thành.
Đến mùa Đông, Mạnh Khương Nữ đan áo cho chồng và đã lặn lội tìm chồng để trao áo. Mạnh Khương Nữ đã đi khắp theo chiều dài của Trường Thành, hỏi thăm nhiều người và cuối cùng nhận được hung tin chồng mình bị chết vùi thây dưới Trường Thành.
Nàng Mạnh Khương đau buồn khóc lóc thảm thiết 3 ngày 3 đêm, nước hòa lẫn máu. Tiếng khóc của Mạnh Khương vang xa 800 dặm Trường Thành, làm sụp đổ một khúc thành, để lộ xác chết của chồng mình.
Nàng an táng cho chồng xong liền nhảy xuống biển tự vẫn. Ngày nay, tại quận Sơn Hải Quan thuộc địa cấp thị Tần Hoàng Đảo của tỉnh Hà Bắc có miếu thờ Mạnh Khương Nữ.
Lương Sơn Bá, Chúc Anh Đài
Giới thiệu sơ lược
Lương Sơn Bá – Chúc Anh Đài là một truyền thuyết Trung Quốc về chuyện tình đẹp nhưng đầy bi kịch của một đôi trai gái, Lương Sơn Bá (梁山伯) và Chúc Anh Đài (祝英台) hay còn được viết tắt là Lương Chúc.
Truyền thuyết gốc
Câu chuyện này bắt nguồn từ thời nhà Đông Tấn (317–420). Một thiếu nữ tên là Chúc Anh Đài, người Thượng Ngu, Chiết Giang, vừa thông minh vừa xinh đẹp, rất thích đọc sách nên nối gót các huynh đệ học tập thơ văn.
Mặc dù bị cha mẹ phản đối, Chúc Anh Đài vẫn quyết tâm cải trang thành con trai để đến học tại một ngôi trường ở Hàng Châu tên là Nghi Sơn. Trên đường, nàng tình cờ gặp gỡ một thư sinh thật thà, học vấn xuất chúng, phẩm chất hơn người là Lương Sơn Bá, đến từ Cối Kê.
Hai người kết nghĩa làm huynh đệ và cùng đến trường Nghi Sơn bái sư. Tuy ở cùng nhau ba năm, cùng nhau đọc sách, ở chung một phòng nhưng Lương Sơn Bá chưa bao giờ nghi ngờ Chúc Anh Đài là con gái.
Chàng chỉ một lòng học tập, thế nhưng Anh Đài thì lại dần dần có tình cảm sâu sắc với chàng. Một ngày, Anh Đài nhận được thư từ Chúc Gia bảo nàng phải về nhà gấp.
Nàng không có cách nào từ chối và cũng không dám nói ra sự thật với Sơn Bá, bèn đem bí mật của mình tiết lộ cho Sư Mẫu ở trường và nhờ Sư Mẫu chuyển miếng ngọc cho Sơn Bá làm tín vật định tình.
Dọc đường Lương Sơn Bá tiễn Chúc Anh Đài, nàng đã nhiều lần ám chỉ mình là nữ nhi và có tình cảm với Sơn Bá nhưng chàng vẫn không nhận ra. Cuối cùng, Anh Đài nói rằng sẽ thu xếp để Lương Sơn Bá cưới Cửu muội – em gái của mình, hy vọng Sơn Bá sớm ngày tới Chúc Gia trang xem mặt.
Thực chất, Cửu muội chính là Chúc Anh Đài. Khi Sư Mẫu chuyển tín vật cho Sơn Bá, chàng mới hiểu ra mọi chuyện, bèn nhanh chóng tới Chúc Gia Trang tìm Anh Đài. Tại đây, hai người đã sáng tỏ tình cảm của mình.
Mặc dù họ yêu nhau say đắm, nhưng Anh Đài đã bị cha mẹ hứa gả cho con trai một gia đình quyền quý tên là Mã Văn Tài (馬文才). Mã Văn Tài là con trai của thái thú, có tính cách hống hách ngang ngược, thích ỷ quyền hiếp yếu, bụng dạ nham hiểm thâm độc, mưu mô xảo quyệt, đã nhiều lần cố ý chia rẽ đôi uyên ương Lương Sơn Bá – Chúc Anh Đài.
Cùng lúc, khi Sơn Bá ngỏ ý cầu hôn, cha mẹ Anh Đài không chấp thuận lời cầu hôn của Sơn Bá vì cho rằng nhà họ Lương quá nghèo nên không môn đăng hộ đối.
Do quá phiền muộn trong một thời gian dài, Lương Sơn Bá đã lâm bệnh nặng và sau đó mất tại nơi làm việc khi đang làm tri huyện tại huyện Ngân.
Vào ngày Chúc Anh Đài phải lấy Mã Văn Tài, nàng yêu cầu kiệu hoa phải đi qua con đường có chôn cất Sơn Bá, nếu không thà chết cũng sẽ không bước vào nhà họ Mã.
Khi đoàn đón dâu đi ngang qua mộ Lương Sơn Bá, một trận cuồng phong nổi lên ngăn cản đoàn người đi tiếp. Chúc Anh Đài rời kiệu hoa đến trước mộ Lương Sơn Bá để cúng tế.
Nàng quỳ xuống khóc thương thảm thiết và nguyện ý cùng Sơn Bá sống chết không cách rời. Bỗng phần mộ Lương Sơn Bá có vết nứt, dần dần mở ra. Chúc Anh Đài đi vào trong đó.
Sau đó đột nhiên mây đen biến mất, trời quang mây tạnh, từ trong mộ, một đôi hồ điệp rất đẹp quấn quýt bên nhau và cùng bay đi, lượn quanh khóm hoa tươi.
Trên đây là 4 câu truyện dân gian nổi tiếng nhất Trung Quốc được lưu truyền cho đến ngày nay. Vậy thì các bạn biết bao nhiêu câu chuyện? Cùng comment dưới phần bình luận để chúng mình được biết nhé!