Người đi mua niềm tin
Trước đây trong giới trẻ từng rất thịnh hành những câu nói kiểu như “làm bằng niềm tin à?”, “mua bằng niềm tin à?”… Các bạn thường gắn những điều tưởng như không làm được với khái niệm “niềm tin”, cho nó là một viễn cảnh xa rời thực tế; thậm chí là kết quả của sự thăng hoa từ cảm xúc và trí tưởng tượng của những người có tâm hồn lãng mạn.
Nhưng với tôi – một người đã và đang trên con đường chinh phục ước mơ du học Trung Quốc có thể nói với bạn rằng: “Đúng, tôi đã làm bằng niềm tin đấy!”
15 tuổi bắt đầu viết những nét chữ tượng hình đầu tiên…
18 tuổi bắt đầu lại đam mê một lần dang dở…
20 tuổi bắt đầu ước mơ du học…
Đó là một quá trình từ lúc biết cho đến lúc thích, yêu và sẵn sàng theo đuổi giấc mơ du học. Và có lẽ ai chẳng trải qua một quá trình như vậy trước khi đến với tiếng Trung.
Nhưng mỗi một hành trình mỗi khác, từng cột mốc ấy đặt trong cuộc đời mỗi người lại được dựng lên theo một cách thức khác nhau. Và “cột mốc” của tôi lần lượt được tạo nên từ niềm tin, tôi “mua niềm tin” cho chính mình; “mua” và “nhận lại” từ những người xung quanh mình để từ đó nỗ lực không ngừng cho một ngày ước mơ đặt chân đến đất nước Trung Quốc trở thành hiện thực.
Tôi còn nhớ những ngày đầu tiên đến học tiếng Trung tại một trung tâm cùng với người bạn thân chỉ vì một lí do đơn giản – thích xem phim Trung Quốc. Hồi ấy tôi vừa mới lên cấp III và cho cùng cái “thích” ấy cũng chỉ diễn ra vỏn vẹn trong 3 tháng vì áp lực học tập trên trường cho cuộc thi đại học trước mắt và cũng vì cái suy nghĩ “tiếng Anh mới là chìa khóa thành công” nên tôi gần như quyết định bỏ tiếng Trung.
Cho đến khi tôi đỗ đại học và phải tự chọn ngôn ngữ để học theo tín chỉ, tôi đã nghĩ “bao nhiêu năm mình bơi trong cái bể chữ Latinh đến phát ngán, đã từ bỏ tiếng Trung một lần liệu có nên trở lại để hoàn thành nó”. Lúc ấy tôi suy nghĩ rất nhiều vì sợ nếu như một lần nữa lại bỏ dở thì sao?
Nhưng cái cảm giác được viết lại những nét chữ tượng hình, được nhìn vào một đoạn văn mà cứ như nhìn vào một bức tranh trừu tượng làm tôi phấn khích vô cùng và một lần nữa, tôi đã chọn tiếng Trung.
Đó là một quyết định vô cùng đúng đắn với tôi vì tại trường đại học, tôi đã được gặp một cô giáo truyền cho tôi tình yêu tiếng Trung mãnh liệt, người đã nhen nhóm trong tôi ước mơ đi du học. Vậy với một sinh viên trái ngành thì tôi đã theo đuổi nó như thế nào?
Một tuần của tôi đều là sáng hoặc chiều trên lớp, tối đi dạy cứ như vậy từ thứ 2 đến chủ nhật. Tôi chỉ có thể tranh thủ vào 1 buổi tiếng Trung học trực tiếp trên lớp mỗi tuần, học vào những giờ ra chơi, học từ mới trên xe bus, luyện nghe lúc chờ ở bến xe, làm đề khi ở nhà và luyện nói từ lúc 23h kém mỗi tối cho đến khi chìm vào giấc ngủ.
Đương nhiên đó chỉ là cái khung chung của thời gian biểu, còn việc tự học thực chất nếu ai từng trải qua các bạn cũng có thể hiểu nó còn phải vất vả và nhiều “khâu” hơn thế này rất nhiều.
Tôi cứ học miệt mài như thể nó là một chuyên ngành thứ hai của mình, cảm thấy một ngày không động đến nó chính là một ngày vô ích. Khi đó tôi đã yêu tiếng Trung mất rồi, đã rất muốn đi du học và thỉnh thoảng có nhắc đến với mẹ nhưng rồi cái ước mơ ấy vẫn bị mẹ “khéo léo” gạt đi. Nhưng các bạn biết đấy, ngọn lửa cháy âm ỉ chỉ cần một cơn gió vô tình thổi tới nó còn bùng dậy nữa là cả một ngọn đuốc lớn…
Rồi tôi cũng tham gia hai cuộc thi nho nhỏ ở trường và đạt giải, sau này còn được thêm HSK5. Đó không phải là những thành tích quá lớn lao nhưng khi thấy các bạn mình xuýt xoa với chiếc cúp tôi cầm trên tay của cuộc thi đầu tiên, tôi biết tôi đã thành công“mua niềm tin” của họ về việc mình không chỉ học cho vui, mình đã đạt được điều gì đó sau những nỗ lực mình bỏ ra.
Đặc biệt hơn cả là tôi đã “mua được niềm tin” của mẹ. Tôi cũng chưa từng hỏi tại sao ban đầu mẹ không chấp thuận mà giờ mẹ lại ủng hộ nhưng tôi nghĩ có lẽ chính vì mỗi ngày mẹ dều nhìn thấy sự nỗ lực của tôi, là vì mẹ nhìn thấy cái dáng vẻ hồi hộp, lo lắng chưa từng có của tôi khi tra kết quả thi HSK nên mẹ đã “xiêu lòng”.
Quả thực tôi cũng từng tham gia rất nhiều cuộc thi có ý nghĩa quan trọng nhưng chưa lần nào tôi cảm giác mình lo lắng đến thế. Đó chỉ có thể là vì bạn quá yêu nó, xem nó như một thứ tín ngưỡng để tôn thờ nên rất sợ tín ngưỡng ấy bị sụp đổ. Và từ lúc đó, tôi bắt đầu “công khai” tìm hiểu về du học Trung Quốc.
Ban đầu tôi vô cùng bỡ ngỡ và hoang mang vì có quá nhiều thông tin. Nhưng thật may mắn khi sau nhiều lần tìm kiếm, tôi đã biết đến những group như Yêu tiếng Trung, Hội tự apply học bổng Trung Quốc, Riba.vn… và anh Trần Ngọc Duy.
Thật ra cũng có rất nhiều trung tâm cung cấp cho tôi thông tin bổ ích và họ cũng tận tình tư vấn (không phải theo kiểu mời chào nhé) nhưng có một điều làm tôi ấn tượng về Riba của anh Duy khi đọc được một câu nói trong bài viết (https://duhoctrungquoc.info/hoc-bong-khong-tu-loai-b-dung-de-danh-mat-co-hoi-cua-ban/): “Hãy cạnh tranh với các bạn nước khác chứ đừng cạnh tranh với chính đồng bào của mình!”.
Ngoài ra, trong quá trình tìm hiểu cũng như chuẩn bị apply học bổng, tôi cũng gặp được rất nhiều người trong cộng đồng tiếng Trung dù xa lạ nhưng sẵn sàng bỏ thời gian để tư vấn và động viên tôi dù họ cũng đang loay hoay trong hành trình của chính bản thân, điều đó thật đáng trân quý.
Được biết và ngưỡng mộ thêm nhiều người, được học hỏi thêm nhiều kĩ năng… đó là những điều tôi đã và đang có được trong quá trình apply.
Nỗ lực là vậy nhưng liệu có sang được và học tập trọn vẹn cả quá trình bên đó không thì tôi nghĩ mình lại phải “mua niềm tin” cho mình, không ngừng cố gắng, không ngừng chỉn chu trong quá trình chuẩn bị, tự động viên bản thân…
Quả thật thành công nào cũng cần có 99% nỗ lực và 1% may mắn nên tôi mong rằng những lời chia sẻ trên đây sẽ phần nào giúp các bạn tự định giá được “niềm tin” cho bản thân, có niềm tin để may mắn trong quá trình apply của mình.
Và khi viết những lời này, tôi chỉ nghĩ đơn giản một điều, hiếm khi chúng ta có cơ hội chia sẻ, giãi bày với những tâm hồn đồng điệu để kiếm tìm sự tri âm! Bạn lắng nghe tôi, tôi lắng nghe bạn và cùng nhau hiện thực hóa ước mơ Trung Hoa nhé!
1 Comment
Hehe