七夕节 – Lễ Thất Tịch (Mùng 7 tháng 7 Âm lịch) thường được coi là “Ngày lễ tình nhân của Trung Quốc”. Từ xưa đến nay, lễ Thất Tịch luôn là một lễ hội vô cùng lãng mạn, bởi chủ đề của lễ hội này liên quan đến tình yêu đôi lứa, tuy nhiên, nội hàm của lễ Thất Tịch còn bao quát hơn nhiều người hiểu.
Vậy rốt cuộc ngày lễ Thất Tịch là gì, các bạn hãy cùng Riba tìm hiểu nhé!
Tại sao lễ Thất Tịch còn được gọi là "Ngày của con gái"?
Lễ Thất Tịch bắt nguồn từ Trung Quốc và được diễn ra vào ngày 7 tháng 7 âm lịch.
Lễ hội này có rất nhiều tên. Thời xa xưa, đối tượng chủ yếu tham gia những hoạt động trong lễ hội là các cô gái trẻ, một trong những hoạt động chính của lễ hội là 乞巧/ qǐ qiǎo/(乞 là xin; 巧là sự khéo léo, sự tài giỏi.
Những cô gái trẻ khoác lên mình những tấm áo mới để đi trẩy hội, hướng về sao chức nữ – nữ thần bảo hộ nghề dệt, tình lữ, phụ nữ, trẻ em – ban cho trí tuệ và sự khéo léo) nên người ta còn gọi ngày này là “乞巧节”; “少女节” (Ngày thiếu nữ), hay “女儿节”(Ngày của con gái).
Do lịch sử lâu đời của lễ hội, nhiều phong tục khác nhau đã được hình thành như tục ngâm hạt giống cầu con (种生求子 – Trước đêm 7/7, người ta ngâm những loại hạt giống khác nhau như lúa mì, đậu xanh, đậu hà lan,… trong một chậu nước, sau khi hạt giống nảy mẩm một chút thì vào lễ Thất Tịch, dùng những sợi dây màu đỏ, xanh da trời buộc lại với nhau, trở thành biểu tượng của việc sinh con, phát tài)
Tập tục này thể hiện sự theo đuổi cái đẹp giản đơn, mộc mạc và óc thẩm mỹ của người nhân dân lao động.
Qua những đêm Thất Tịch, nhiều câu đố thú vị cũng được tạo ra, trong đó có một câu đố có tựa đề “月露良宵拜魁星,老牛庆生也不迟” (Tạm dịch: “Đêm thờ sao Khuê trăng sáng, không quá muộn để tổ chức sinh nhật cho Ngưu Lang”), và đáp án là “Lễ Thất Tịch”.
Giải thích: Tương truyền mùng 7/7 là sinh nhật của sao Khuê, vào ngày này, người dân thường đặt một hương án để bái sao Khuê ở giếng trời trong nhà, cầu công danh, tài lộc. 老牛庆生 là chúc mừng sinh nhật Ngưu Lang – đây cũng là một tập tục trong ngày lễ Thất Tịch nhằm tưởng nhớ sự hi sinh của Ngưu Lang.
Truyền thuyết Ngưu Lang – Chức Nữ
Có một truyền thuyết liên quan đến ngày lễ Thất Tịch, đó là câu chuyện tình yêu của Ngưu Lang và Chức Nữ. Trong “Sưu Thần Kí”(Tạm dịch: Bản ký sưu tập những câu truyện thần thoại), cặp sao song sinh Ngưu Lang và Chức Nữ trên trời đã được thêu dệt thành câu chuyện về cặp vợ chồng hiếu thảo Đổng vào thời nhà Hán.
Tuy nhiên, truyền thuyết này xảy ra vào ngày 7 tháng 7 âm lịch cũng liên quan đến việc quan sát chòm sao Ngưu Lang và Chức Nữ của người cổ đại.
Theo sách cổ ghi chép, vào hoàng hôn tháng 7 khi đó, chòm sao Chức Nữ vừa lên đến đỉnh cao nhất trong năm, tỏa sáng rực rỡ, thì vị trí của hai ngôi sao tối hơn bên cạnh chòm sao Chức Nữ trông giống như một lối đi hướng về phía đông, và nhìn về phía đông, người dân có thể thấy chòm sao Ngưu Lang.
Do đó, dựa trên nhiều dữ liệu khác nhau, một số người cho rằng lễ Thất Tịch có liên quan đến truyền thuyết Ngưu Lang – Chức Nữ và cũng liên quan đến việc quan sát hiện tượng thiên văn của người dân ngày xưa.
Món ăn nổi tiếng nhất "Bánh Xảo Quả"
Cũng giống như sủi cảo trong ngày đông chí và bánh thanh đoàn (青团) trong lễ hội Thanh minh, lễ Thất Tịch cũng có món ăn đặc trưng, đó là bánh Xảo Quả. Bánh Xảo Quả chủ yếu được làm bằng mì, dầu, đường, mật,… và có rất nhiều hoa văn khác nhau.
Trộn đều đường trắng, mật ong, bột mì và mè, vừng rồi trải lên thớt và cán mỏng. Sau một loạt công đoạn chiên dầu thì bánh Xảo Quả được hoàn thành.
Những người khéo tay có thể nặn bánh Xảo Quả thành nhiều hình dạng khác nhau liên quan đến truyền thuyết về Ngưu Lang – Chức Nữ. Tất nhiên, các triều đại khác nhau trong lịch sử cũng có phong tục ẩm thực khác nhau vào lễ Thất Tịch.
Đây là video làm bánh Xảo Quả của Lý Tử Thất – một Youtuber Trung Quốc nổi tiếng:
Làm gì vào ngày lễ Thất Tịch?
Vào ngày lễ Thất Tịch, mọi người thường làm những hoạt động sau:
- Thực hiện các hoạt động khác nhau để cầu xin sự thông minh, khéo léo. (乞巧).
- Tổ chức Lễ hội hoa đăng, những đôi tình nhân cùng nhau thả hoa đăng.
- Thực hiện nghi lễ dâng hương.
Phong tục phổ biến nhất của ngày lễ Thất Tịch là các hoạt động khác nhau được thực hiện bởi phụ nữ vào đêm 7/7 Âm lịch.
Hầu hết hoạt động 乞巧bao gồm các cô gái xỏ kim để thử độ khéo léo (穿针引线验巧), làm những món đồ nhỏ để thi khéo léo (赛巧), và đặt một số trái cây để xin sự thông minh, khéo léo. Các vùng miền khác nhau có những cách 乞巧khác nhau và tất cả đều rất thú vị.
Hoạt động 乞巧ở những địa phương như Tế Nam, Huệ Dân, Cao Thanh và những nơi khác ở Sơn Đông rất đơn giản, họ chỉ bày hoa quả để cầu xin sự thông minh, khéo léo. Nếu có mạng nhện kết trên hoa quả thì có nghĩa là xin thành công.
Phong tục ăn bánh乞巧 ở Quyên Thành, huyện Tào, Bình Nguyên,… rất thú vị: Bảy cô gái (phải là những cô gái ngoan ngoãn, tốt bụng) cùng nhau làm bánh bao. Những cô gái này sẽ bỏ một đồng xu, một cây kim và một quả táo đỏ vào ba chiếc bánh bao.
Sau hoạt động 乞巧, họ sẽ tụ tập với nhau để ăn bánh bao, tương truyền ai ăn trúng chiếc bánh bao có đồng xu thì sẽ có phúc, người ăn trúng bánh bao có chiếc kim thì có được sự khéo léo và người nào ăn trúng bánh bao nhân táo đỏ thì sẽ lấy chồng sớm.
Ở một số nơi, hoạt động 乞巧 mang tính chất cạnh trạnh như thi xỏ kim, làm bánh Xảo,… Một số địa phương còn có phong tục nấu canh rau mầm, thường là những mầm đậu được ngâm từ đầu tháng 7 Âm lịch.
Vào lễ Thất Tịch, việc cắt rau mầm để nấu canh rất được coi trọng, trẻ em trong vùng đặc biệt chú ý đến việc ăn rau mầm, và các đồ trang trí bằng điêu khắc bột, cắt giấy và thêu nhiều màu sắc là sự phát triển của phong tục đấu xảo (斗巧).
Lễ Thất Tịch chắc chắn là một lễ hội tốt lành, và mọi người sẽ gửi lời chúc phúc đến những mình yêu vào ngày này. Tuy nhiên, nội hàm của lễ Thất Tịch phong phú hơn nhiều so với “tình yêu”, với nhiều nội dung khác như cầu con, cầu tài, cầu mùa màng bội thu.
Vì vậy, ngày lễ Thất Tịch ở Trung Quốc không chỉ dành cho những đôi tình nhân mà còn dành cho cả những người đang độc thân đó.
Riba đã giới thiệu đến bạn những điều đặc biệt trong ngày Thất Tịch của Trung Quốc. Nếu có bất kỳ thông tin gì về ngày Thất tịch bạn hãy chia sẽ cho chúng mình được biết với nhé!
3 Comments