HÀNH TRÌNH GIÀNH 2 HỌC BỔNG TOÀN PHẦN CSC ĐẠI HỌC VŨ HÁN VÀ HỌC BỔNG TRƯỜNG ĐẠI HỌC TÔ CHÂU
Chào các bạn, mình là Nhàn, sinh viên vừa tốt nghiệp chuyên ngành ngôn ngữ Trung Quốc trường Đại học Hải Phòng và apply học bổng hệ thạc sĩ năm nay. Cảm ơn anh Duy và Du học Trung Quốc Riba đã tổ chức sự kiện này.
Trước kia mình là một người vô cùng bị động, nhút nhát lại tiêu cực và bi quan, nhưng học tiếng Trung thật sự thay đổi mình rất nhiều, để mình không chỉ dũng cảm tự tin hơn mà đợt tốt nghiệp đại học vừa rồi đã dành được thủ khoa đầu ra đại học chuyên ngành tiếng Trung, đồng thời cũng giành được 2 học bổng toàn phần:
- CSC Đại học Vũ Hán
- Học bổng Trường Đại học Tô Châu.
Hi vọng những chia sẻ của mình sẽ giúp được phần nào đến những bạn yêu thích tiếng Trung và có ý định tìm hiểu về Du học Trung Quốc.
BÀI VIẾT CHIA SẺ CỦA MÌNH GỒM 3 NỘI DUNG CHÍNH:
PHẦN 1: HỒ SƠ APPLY HỌC BỔNG CỦA MÌNH
Trước hết mình chia sẻ một chút về hồ sơ xin học bổng của mình, thực ra mình thấy rất nhiều bạn có hồ sơ đẹp hơn mình nhiều, nhưng vì thấy nhiều bài trên nhóm hỏi về hồ sơ của bản thân có apply được học bổng không nên mình muốn chia sẻ để các bạn sắp tới apply có thể khách quan đối chiếu và chọn trường phù hợp.
- ĐIỂM GPA Đại học, lúc mình apply chỉ có :3,45/4
- HSK 6: 264/300; HSKK Cao cấp: 77/100
- THÀNH TÍCH ĐẠT ĐƯỢC:
- SINH VIÊN 5 TỐT cấp trường và cấp thành phố;
- 2 năm liền Giải NHÌ cấp trường sinh viên NGHIÊN CỨU KHOA HỌC cấp trường (Đề tài NCKH viết hoàn toàn bằng tiếng Trung);
- Giải NHÌ OLYMPIC NGOẠI NGỮ trường năm 2019 (theo nhóm);
- Giải NHẤT OLYMPIC Biên phiên dịch của trường năm 2020-2021 (theo nhóm);
- HỌC BỔNG DOANH NGHIỆP công ty Cathay Life;
- Giải Khuyến Khích cuộc thi “Sinh viên ĐHHP với văn hóa đọc”
- GIẤY KHEN SINH VIÊN GIỎI các năm học
4. CÁC HOẠT ĐỘNG NGOẠI KHÓA:
- Chứng nhận tham gia Cuộc thi Viết chính tả chữ Hán của viện Khổng Tử Đại học Hà Nội;
- Giấy khen “Sinh viên có thành tích xuất sắc trong công tác đoàn và phong trào thanh niên” của trường;
- Giải Nhất phần cuộc thi Nữ Tử Hán phần đọc thơ và giới thiệu bản thân của Công ty Giáo dục Quốc tế Thời Đại;
- Chứng nhận cuộc thi Sinh viên khỏe của trường đại học;
- Chứng nhận tham gia trại hè của 2 trường Đại học Kiến trúc Thẩm Dương và Đại học Sư phạm Chiết Giang; chứng nhận khóa học 1 tháng của trường Đại học Ngôn ngữ Bắc Kinh;
- Chứng nhận tình nguyện viên của Go Green Together.
Ở đây lúc mình apply thì có thành thích chưa nhận được giấy khen hoặc giấy xác nhận, lúc này bạn có thể lồng ghép trong phần viết kế hoạch học tập, thư giới thiệu hoặc lúc phỏng vấn.
PHẦN 2: QUÁ TRÌNH APPLY HỌC BỔNG (KINH NGHIỆM VÀ MỘT VÀI MẸO NHỎ)
Nếu thuật lại quá trình apply học bổng của mình thì mình nghĩ có thể dùng các mốc cảm xúc như sau: MƠ HỒ –> TỦI THÂN –> HOANG MANG LO LẮNG –> HẠNH PHÚC. Chắc hẳn nhiều bạn giống mình, lúc mới tìm hiểu về học bổng có vô số những câu hỏi.
MƠ HỒ, mình biết rất nhiều bạn cũng như mình, lúc đầu tìm hiểu đến học bổng thật sự là không biết thông tin gì luôn, không biết điều kiện cơ bản để apply là gì và cũng không biết phải tìm kiếm thông tin ở đâu.
Thật sự ngơ ngác và ngố quá trời, lúc này thì thật sự may mắn là tụi mình không phải là người đầu tiên và đã có các anh chị đi trước, đặc biệt là khi mình tham gia nhóm Hội Tự Apply học bổng Trung Quốc của anh Duy, qua các bài viết của Riba và các bạn thì mình cũng bớt mù và bớt ngu hơn.
Link website: https://laizhongliuxue.com
Ngoài ra thì mình thật sự may mắn khi quen được một số bạn cùng chí hướng apply cùng mình trường sư phạm Thiên Tân cạnh tranh nhau mà các bạn giúp đỡ nhiệt tình dã man (mà cuối cùng trường vẫn loại mình…) một số anh chị và các bạn nữa không nhắc tên, nhưng mình thấy may mắn lắm, nên nếu sau này bạn nào có thắc mắc gì có thể thảo luận cùng mình nhé, vì cũng từng như các bạn và quá hiểu nỗi hoang mang đấy rồi.
TỦI THÂN thì vì giấy tờ các loại trên trường, mỗi lần đi xin đều đợi mấy tiếng đồng hồ, xong một mình chạy đông chạy tây mãi mới xin được thư giới thiệu, mình còn nhặt lá cây đếm cỏ ở trường cơ, có lúc vì không xin được giấy tờ cần mình còn ngồi ở sân trường khóc nữa (May mà dịch không có ai).
Nhưng mọi người đừng lo nhé vì những gì bản thân bỏ ra sẽ thu lại được kết quả thôi và mình nghĩ các bạn nên liên hệ trước với giáo viên để tránh những lần lên trường rồi về không, kế hoạch giấy tờ đầy đủ, đừng để bị vội.
HOANG MANG LO LẮNG, Đây cũng là điều quan trọng nhất trong phần QUÁ TRÌNH APPLY mà mình muốn chia sẻ với các bạn, hi vọng mọi người có thể bớt đi đường vòng như mình ngày xưa:
CHUẨN BỊ HỒ SƠ VÀ GIẤY TỜ ĐỂ APPLY
Một số giấy tờ cần thiết như bằng tốt nghiệp, bảng điểm hoặc chưa tốt nghiệp thì giấy xác nhận sinh viên, bảng điểm tạm thời, giấy xác nhận dân sự, khám sức khỏe thì chắc mọi người đều biết cả rồi. Những giấy tờ này mình xin xong dịch ở chỗ anh Duy sau đó được gửi cả bản Scan và gốc nhanh, cẩn thận.
Ở đây mình muốn chia sẻ đến các bạn một vài tài liệu quan trọng ảnh hưởng nhất trong hồ sơ của chúng mình.
THƯ GIỚI THIỆU
Mình để cái này đầu tiên, vì thực sự lúc đó đối với mình là một khó khăn không hề nhỏ, vì khoa mình không có thầy cô từ phó giáo sư trở lên, chỉ có các thầy cô tiến sĩ mà apply hệ thạc điều kiện là 2 thư giới thiệu của phó giáo sư trở lên. Nếu bạn nào có thầy cô giáo sư, phó giáo sư trong khoa giảng dạy trực tiếp thì sẽ dễ hơn, ở đây mình chia sẻ một số cách để xin thư giới thiệu nếu bạn ở trong trường hợp như mình.
Theo mình thì có 3 cách sau:
CÁCH 1: XIN THẦY CÔ HIỆU TRƯỞNG HOẶC CÁC THẦY CÔ CÓ CHỨC VỤ KHÁC
Vì khoa mình không có phó giáo sư nên ngay từ đầu mình đã để ý các thầy cô là phó giáo sư trong trường, tất nhiên không thể học khoa Ngoại ngữ mà bạn đi xin thư của thầy khoa kinh tế được, vậy nên các thầy cô lãnh đạo như hiệu trưởng hiệu phó, trưởng phòng khảo thí, đào tạo…là lựa chọn thích hợp nhất. Mình đã xin 2 thư của thầy hiệu trưởng và thầy trưởng phòng đào tạo, thật sự bí dã man, mình mặt dày đi xin hết.
Cần lưu ý là thầy cô ban lãnh đạo trường đại học thì hầu như không biết chúng ta là ai, vì vậy bạn không thể lao thẳng lên phòng thầy để xin được. Và quy trình mình xin như sau:
- Làm một cái đơn xin thư giới thiệu của… Đơn này mình đã viết rõ lý do xin, tóm tắt kết quả và thành tích đạt được của mình trong thời gian qua.
- Đến gặp cô trưởng khoa xin xác nhận, cô hướng dẫn mình mang nên nộp cho thư ký của thầy hiệu trưởng. Thầy thư ký xác minh thông tin các kiểu và thầy hỏi có mẫu đơn giới thiệu chưa (Cái này chính là thư giới thiệu tụi mình tự chuẩn bị trước nhờ thầy ký) Mình có cả bản Trung và Việt, thầy thư ký nói sẽ chuyển cho thầy hiệu trưởng, nhưng sau thì thầy hiệu trưởng chỉ ký bản Việt, nhưng thầy có tâm lắm, viết lại và bổ sung thêm cho mình. Cả quá trình mình còn chưa được gặp mặt thầy hiệu trưởng luôn.
- Thầy trưởng phòng Đào tạo trường mình cũng rất có tâm, thầy đã giúp đỡ ký theo mẫu mình đã chuẩn bị. (Tiếng Việt)
Mới đầu mình cũng lo là tiếng Việt dịch thuật có ảnh hưởng đến tính chuyên nghiệp hay không, nhưng không hề nhé.
CÁCH 2: XIN THƯ GIỚI THIỆU CỦA THẦY CÔ Ở CÁC TRƯỜNG MÌNH THAM GIA TRẠI HÈ
Như ở hồ sơ bên trên mình nói mình tham gia một số trại hè, trong đó có trường Đại học Kiến trúc Thẩm Dương, các thầy cô ở đó thật sự rất tốt và nhiệt tình luôn. Lúc đó mình nghĩ 2 thư giới thiệu thì nên là 1 cái của lãnh đạo trường (Chứng nhận thành tích học tập và các hoạt động ngoại khóa), cái thứ 2 phải của thầy cô trong chuyên ngành mình học (Như của tớ là chứng nhận năng lực tiếng Trung).
Lúc học trại hè ở trường ĐH Kiến Trúc Thẩm Dương thì thầy dạy lớp mình là thầy Lưu, và vì cũng tích cực nên thầy nhớ tên, lúc đó mình đánh liều nhắn tin nhờ thầy viết thư giới thiệu cho mình, nói thật là văn vẻ dài dòng của mình đã viết lá thư 2 mặt giấy ôn nghèo kể khổ để thầy viết cho.
Không biết là vì lý do gì mà thầy đồng ý giúp luôn sau vài giây gửi, thầy bảo gửi đơn thầy ký cho, và còn sửa lại một vài chỗ và đóng dấu ký tên xinh xắn gửi scan file PDF cho mình. Chắc thầy tưởng mình khó khăn quá nên còn nhờ cả cô viện trưởng ký cho mình, vậy là mình đã có 2 lá thư giống hệt nhau. (Mình chọn lá của thầy và 1 lá ở trường đại học của mình).
Gợi ý nhỏ khi tham gia trại hè là mọi người đừng chỉ vì chứng nhận nhé, tích cực phát biểu và cảm ơn các thầy cô trong những dịp đặc biệt, để đến lúc mình cần các thầy cô sẽ giúp. Mặc dù mình không apply trường thầy, vì không có ngành muốn học, nhưng thầy và cô viện trưởng vẫn nhiệt tình. Review trường ĐH Kiến trúc Thẩm Dương luôn nhé.
CÁCH 3: XIN THƯ GIỚI THIỆU CỦA THẦY CÔ TRƯỜNG MÌNH MUỐN APPLY
Cách này mình chưa làm nhưng cô giáo chủ nhiệm của mình khi apply hệ tiến sĩ đã thành công nhé, và thật sự là cách khó nhưng nếu được thì quá đỉnh luôn.
Nếu hồ sơ của bạn ok và tự tin bạn có thể tìm thông tin thầy cô của trường mình muốn apply và xin luôn thư giới thiệu, ở đây là thư giới thiệu mà không phải thư chấp nhận nhé. Lúc cô mình apply tiến sĩ cô đã dùng 1 thư giới thiệu của hiệu trưởng trường mình và thư còn lại là thầy giáo sư trường cô apply. Mọi người có thể thử sức nhé.
KẾ HOẠCH HỌC TẬP
Chuẩn bị hồ sơ, mình vất vả nhất là thư giới thiệu, kế hoạch học tập thì mình viết tầm 2000 từ cho đại học Tô Châu và đại học SP Thiên Tân, đại học Vũ Hán thì yêu cầu 800 chữ mình phải cắt khổ sở lắm mới còn lại hơn 1000 xíu.
Mình không biết kế hoạch học tập của mình được đánh giá có tốt không nhưng mình đã viết những nội dung sau đây:
- Quá trình biết và học tiếng Trung (Làm nổi bật lên tình yêu sự nhiệt huyết với tiếng Trung của bạn; chèn khéo về thành tích bản thân đạt được, không liệt kê nhé)
- Một đến hai sự kiện quan trọng tác động lớn đến quá trình học tiếng Trung của bạn (Mình thì tiếng Trung còn các bạn ngành khác thay đổi cho phù hợp nhé, Mình nhắc đến 2 sự kiện, tại mình apply csc ngành giáo dục Hán ngữ nên mình nói năm thứ 2 đi dạy thêm tiếng Trung đã cho mình cơ hội đứng trên góc độ khác tìm hiểu tiếng Trung, yêu thích công việc dạy học blabla, sự kiện thứ 2 là lần tham gia olympic đầu tiên của mình, chủ yếu là làm bật nên lần đấy mình phát hiện tiếng Trung làm mình dũng cảm hơn rất nhiều )
- Lý do chọn trường (Cái này mình nói có xíu xíu)
- Kế hoạch các năm học các kỳ học (Cái này mọi người có thể hỏi các anh chị đi trước, tham khảo các bài viết và dùng văn của mình tổng hợp một cách có tâm nhất. Phần này chủ yếu là về học tập các môn ở trường, tham gia các hoạt động cuộc thi về ngành mình học, NCKH và luận văn…)
- Ước mơ đi du học, lời hứa và lời cảm ơn chân thành.
MỘT VÀI TIPS NHỎ:
- Theo mình thì quan trọng nhất là làm cho thầy cô thấy được tình yêu đam mê và khát vọng được học tiếng Trung của mình, còn có cả niềm yêu thích về văn hóa lịch sử TQ nữa, vì chẳng ai không thích sinh viên yêu tiếng Trung, yêu Trung Quốc cả.
- Mình cảm thấy ngoài kế hoạch các năm các kỳ ra những phần còn lại viết văn vẻ tình cảm sến súa một chút, một số bạn và thầy cô người Trung đánh giá khi đọc mấy lời chia sẻ của mình là CẢM ĐỘNG, họ nói cảm nhận được tình yêu của mình với tiếng Trung. Mình thường bị lỗi chém sến rồi dài dòng nữa, nhiều lúc không phù hợp, nên các bạn có thể điều chỉnh sao cho hợp lý nhé.
- Dùng thành ngữ, tục ngữ, ngạn ngữ, trích dẫn của người nổi tiếng. Mình nghĩ viết như vậy có thể để thầy cô ấn tượng về năng lực tiếng Trung của bạn. Trong bài của mình có trích dẫn lời của Khổng Tử :知之者不如好之者,好之者不如乐之者, câu này chủ yếu là pro tình yêu tiếng Trung của mình ý mà.
PHỎNG VẤN
Phỏng vấn của trường Đại học Vũ Hán thì có một cô giáo phỏng vấn mình, thời gian gần 30 phút, cũng không nhớ hết, nhưng có 1 vài câu hỏi sau:
GIỚI THIỆU BẢN THÂN (Vấn đề muôn thuở)
Nói thật mình là một đứa lười chuẩn bị câu hỏi phỏng vấn, nhưng cái phần giới thiệu bản thân này thì auto không được quên, chắc chắn có mà.
Phần này mình cũng làm sương sương như kế hoạch học tập, chỉ là cách diễn đạt khác có: Tên tuổi, ngành, trường; đến với tiếng Trung như thế nào; ý nghĩa và kết quả trong cả quá trình học; thành tích( nổi trội); ước mơ; sở thích và cuối cùng chốt lại là em apply ngành này hệ này của trường mình.
Vẫn là câu nói đấy, giới thiệu kiểu gì cũng phải làm tình yêu tiếng Trung rõ ra nhé.
Xong cô hỏi mình là thích biện luận tiếng Trung như vậy thì có tham gia cuộc thi gì về biện luận không? Thầy cô sẽ khai thác từ phần giới thiệu của mình đấy, nên mọi người cẩn thận đừng chém quá đà và nhớ chuẩn bị trước nhé. Mình thấy có bạn kể nói thích văn hóa, lịch sử TQ quay ra cô hỏi luôn……
LUẬN VĂN TỐT NGHIỆP + LUẬN VĂN DỰ ĐỊNH VIẾT KHI HỌC THẠC SĨ
Cô hỏi đại học em có viết luận văn không, giới thiệu cho cô. Mình có viết nên chém ra thôi, cũng không ngờ cô hỏi. Lúc đấy mình chủ yếu nói về lý do em chọn đề tài đấy, để cô thấy cái đề tài của mình có ý nghĩa lớn. Sau đó thì mình nói sương sương mấy chương, cũng ngắn thôi.
Nếu các bạn không viết luận văn thì mình thấy thầy cô vẫn hỏi kỳ 2 năm cuối em học những mông gì.
Còn luận văn thạc sĩ thì…..chưa đỗ học bổng các thầy cô đã bắt lên đề cương viết luận văn rồi. Vì mình nhận được thông báo phỏng vấn luôn sau 2 ngày, gấp quá nên chỉ kịp lên mạng xem một đề tài hợp với mình, học phần tóm tắt, lúc đó mình cũng chủ yếu nêu lý do và mục đích đề tài, cũng hoạch định số chương. Nếu gấp quá các bạn có thể nói hướng nghiên cứu và em sẽ tìm hiểu các đề tài này về hướng nghiên cứu này.
KHÓ KHĂN KHI HỌC TIẾNG TRUNG?
- EM THẤY TIẾNG TRUNG MÌNH KÉM NHẤT PHẦN NÀO?
- EM NGHĨ NGƯỜI VIỆT HỌC TIẾNG TRUNG CẦN CHÚ Ý GÌ?
- DẠY TIẾNG TRUNG THÌ EM NGHĨ CÁI GÌ QUAN TRỌNG NHẤT?
2 câu đầu thì khai thật để được khoan hồng, mình nói là ngữ pháp và chữ viết em có thể chăm chỉ cố gắng được, nhưng em thấy mình kém ở phát âm, có lẽ là do khẩu âm của người Việt nên thường nhầm thanh 1 và thanh 4.
Mình cũng nói là lúc mới học tiếng Trung bị người ta nói là phát âm giống giọng Quảng Đông, Hồng Kông, mình rất buồn các kiểu, giờ đang cố gắng, mong muốn được đi TQ để cải thiện hơn. (Bất kỳ lúc nào cũng nhớ nhân cơ hội thể hiện tình yêu tiếng Trung nhé) Xong cô bảo bạn nước ngoài nào cũng vậy, cô thấy em nói rất tốt rồi. Sau đó lại khách sáo cảm ơn cô.
2 câu sau mình đi dạy thêm tiếng Trung từ năm 2 nên cũng coi như trúng tủ, cái này chuyên ngành của mình apply thôi nên chắc không phải bạn nào cũng cần, ai muốn tìm hiểu thêm ib mình nhé.
GIỚI THIỆU VỀ HỆ THỐNG DẠY TIẾNG TRUNG Ở TRƯỜNG EM?
- CÓ GIÁO VIÊN NGƯỜI TRUNG KHÔNG, NGƯỜI TRUNG DẠY NHỮNG MÔN GÌ?
- EM THÍCH MÔN GÌ VÌ SAO?
- NGOÀI TIẾNG TRUNG EM CÒN BIẾT NGOẠI NGỮ NÀO KHÔNG?
Và còn một số câu nữa mình quên mất rồi, nhưng cũng không khó mọi người có thể tùy cơ ứng biến nhé. Mấy câu trên thì mỗi người một cách trả lời mình cũng không dài dòng nữa.
Chỉ có câu cuối thấy bản thân hơi “lươn lẹo” Mình bảo em còn học tiếng Anh nhưng tiếng Anh không tốt như tiếng Trung (không tốt bằng thật, nhưng trên thực tế không một chữ nào…..) xong mình lại nhân cơ hội nói là vì thích tiếng Trung bala bala nên trước mắt em chưa tìm hiểu thêm ngôn ngữ khác, xong lại khen tiếng Trung sâu sắc hay, học cả đời…….
MẸO: KHI THẦY CÔ HỎI VÀO CÂU MÌNH KHÔNG BIẾT, Ví dụ: Em hãy giới thiệu về Kinh Kịch….hoặc những câu nào bí hơn nữa, mình nghĩ là trả lời đơn giản vài câu sau đó nói: “Em cũng rất muốn tìm hiểu về….,có thể hiện tại em chưa biết rõ lắm nhưng em tin rằng với tình yêu tiếng Trung và Văn hóa TQ, nếu em có cơ hội đi Trung em sẽ hoàn thiện hơn nữa kiến thức của mình….”
Tất cả câu không biết trả lời, đều có thể nói là vì yêu tiếng Trung sau này cái gì em cũng làm được. Mình nghĩ như thế thầy cô có thể sẽ không trừ điểm mình quá, ngược lại càng thấy sự đam mê nhiệt huyết của bản thân.
CẢM ƠN SAU KHI PHỎNG VẤN: Có thể các thầy cô phỏng vấn rất nhiều người, nhưng một lời cảm ơn hay độc đáo của bạn sẽ làm cô ấn tượng, mình thường làm mấy tấm thiệp ảnh, ghi tên nhỏ nhỏ ở cuối, và mỗi lần trường đổi trạng thái mình đều nhắn tin báo cho cô và cảm ơn, không biết cô có thấy phiền không nữa, nhưng mình nghĩ nhiều thầy cô sẽ đánh giá cao thái độ đấy, và nếu mình có đỗ thật thì thầy cô cũng có xíu ấn tượng.
THƯ CHẤP NHẬN
Trường đại học Tô Châu mình gửi mail xin thì thầy nói em cứ apply như thường đi, Đại học Vũ Hán thì mình xin 2 lần:
- Lần 1 xin khi chưa đầy đủ giấy tờ, và lại kiểu văn vẻ dài dòng mất 3 mặt giấy của mình nên thầy không care luôn.
- Lần 2 sắp đến hạn nộp rồi mình quyết tâm đổi thầy khác thử xem, lúc này đã đầy đủ giấy tờ (Hồ sơ apply ý) và văn vẻ ngắn gọn hơn, sáng thứ 7 gửi mail chiều thầy mail lại cho mình luôn, xong bảo mình điền mẫu đơn của trường và gửi thầy. Thầy tốt lắm, mình viết sai thời gian học các kiểu thầy cũng sửa cho.
Mình nghĩ đây cũng là một phần cộng điểm nho nhỏ ý, tất nhiên như trường mình apply thì không bắt buộc, nhưng nếu xin được thì sau này thầy chính là người hướng dẫn của chúng ta, sau khi nộp xong hồ sơ có mấy lần về giấy tờ phỏng vấn mình đều mail hỏi thầy. Nên các bạn cũng có thể liên hệ trước với các thầy cô bên trường để xin nhé.
HOẠT ĐỘNG NGOẠI KHÓA
Trước giờ mình là một đứa chỉ học và không có hoạt động ngoại khóa nào, đến năm 4 xác định đi du học mình mới lo lắng tìm kiếm các kiểu. Ngoại khóa của mình thì ở phần hồ sơ đã nói rồi, nên ở đây mình chia sẻ một vài điều nhỏ.
- THAM GIA TRẠI HÈ. Nhưng mình nghĩ nếu bạn tham gia không phải vì học mà chỉ vì giấy chứng nhận thì chúng ta nên tham gia đủ thôi, không cần phải 4 5 trường vào đâu, vì học nhiều vậy có khi không phải trường chúng ta apply, theo bản thân mình thấy thì quá nhiều chứng nhận trại hè không nên lắm, hồi đấy mình tham gia 3 trường, nhưng lúc nộp lên thì chỉ nộp của trường ĐH Kiến trúc Thẩm Dương thôi (vì mình dùng giấy giới thiệu của thầy trường này), của Sư phạm Chiết Giang và Bắc Ngữ mình đều không dùng.
- NHÓM HOẠT ĐỘNG NGOẠI KHÓA Mình biết một nhóm hoạt động ngoại khóa rất nhiều luôn, thường xuyên chia sẻ các cuộc thi trên mọi lĩnh vực nữa. Cái này thì không phải về tiếng Trung nhiều nhưng mình thấy khá nổi tiếng.
CHÚ Ý: HOẠT ĐỘNG NGOẠI KHÓA “ĐỦ” “CHẤT LƯỢNG” không cần nhiều.
Nếu tham gia các hoạt động chỉ vì lấy chứng nhận apply thì mọi người nên chọn cái chất lượng và đủ thôi, mình cũng từng như một số bạn, bỏ khá nhiều thời gian để tham gia một loạt các hoạt động mang tính chung chung chỉ vì nghĩ sẽ làm hồ sơ đẹp hơn.
Mình cũng “cày” được nhiều giấy chứng nhận lắm, mà cuối cùng load lên hệ thống còn không được luôn, vì hệ thống CSC hay web trường chỉ cho dung lượng vừa đủ, mới đầu mình nén 2 3 lần để up lên hết cả đống chứng nhận, nhưng mà sau đó thấy có những cái nhỏ bé quá, và cũng không ai thích nhìn hồ sơ có tất cả các chứng nhận ngoại khóa cùng một loại, nên mình out hết luôn, đa phần để lại chứng nhận có dấu đỏ và tiêu biểu.
HẠNH PHÚC, cảm xúc cuối cùng này thì ai cũng biết rồi, mình đỗ CSC đại học Vũ Hán và học bổng trường Đại học Tô Châu (Ảnh bên trên, tay trái là giấy báo đỗ của ĐH Vũ Hán, tay phải là ĐH Tô Châu).
Vì năm nay CSC chỉ được một trường, khi 1 trường đưa danh sách có bạn thì hệ thống sẽ tự động khóa 2 trường còn lại, nên sau khi Vũ Hán đưa lên mình hơi bất ngờ vì nhận vẫn được thông báo phỏng vấn của Đại học Tô Châu, cuối cùng thì được học bổng toàn phần của trường, hệt như CSC luôn cũng trợ cấp 3000 tệ và miễn phí các kiểu.
Nhưng trường Đại học Tô Châu thì chậm dã man luôn, các trường khác có danh sách xong hết rồi ĐH Tô Châu vẫn chưa xét bước 1 cho mình luôn. Mình nghe nói năm nào trường cũng chậm vậy, nên nếu năm sau bạn nào apply trường này thì đừng lo lắng khi bị các thầy cô bỏ bơ nhé.
PHẦN 3: CHIA SẺ KINH NGHIỆM HỌC TIẾNG TRUNG
Mới bắt đầu học tiếng Trung mình học không tốt, thậm chí là cô còn cho mình phát âm 1 từ đến 5, 7 lần không được. Nhưng sau đó năm nay tốt nghiệp mình đã được điểm cao nhất, thủ khoa đầu ra của trường mình, hệ số 4: 3,52/4, hệ số 10: 8,71/10.
Thực ra cũng không hẳn là kinh nghiệm, mình chỉ là chia sẻ cách mình học tiếng Trung, có lẽ không phải ai cũng hợp với cách của mình, hy vọng làm tài liệu tham khảo cho các bạn. Mình nhấn mạnh là mọi “PHƯƠNG PHÁP” đều phải chăm mới được nhé, không có đường tắt
NGHE
Mới đầu học thì mình nghe vô cùng vô cùng kém, kỳ 1 năm nhất thi học phần nghe được 5 điểm cả làm bừa luôn. Sau đó mình đã cải thiện kỹ năng nghe:
- Tải các ứng dụng nghe của Trung Quốc, mình thấy 喜马拉雅FM và 企鹅FM đều hay, mình thì quen dùng 企鹅FM, ở đây thì mình thấy có các thể loại luôn, có chúc ngủ ngon, tư vấn tình cảm, kiến thức mọi lĩnh vực, truyện ngôn tình, thậm chí có cả phim luôn. Bạn hứng thú với lĩnh vực nào thì nghe cái đó.
- NGHE MỌI LÚC MỌI NƠI. Mới học thì mình nghĩ nên nghe mấy đoạn ngắn, giọng hay như chúc ngủ ngon, mà mình nghe bị động nhiều, không phải ngồi một chỗ nghe mà nghe 24/24 (nói quá tý) nhưng mình rửa bát, dọn nhà, tắm giặt các kiểu đều bật điện thoại nghe.
- NGHE NHIỀU nghe 1 lần được mấy từ, nghe 2 lần được vài câu và dần dần hiểu được cả đoạn văn. Vì nếu bạn thường xuyên nghe thấy 1 từ mà không biết nghĩa ấm ức lắm, sẽ đi tra và học thêm được từ mới, cũng có khi đến lúc học trên lớp nhìn thấy 1 từ mới thì nhớ ra mình đã từng nghe thấy, bạn sẽ ấn tượng hơn với từ mới đó.
- TĂNG TỐC ĐỘ NGHE, đài FM có thể chỉnh tốc độ giọng nói, mình đã chỉnh lên 1.1, 1.2, 1.3, 1.4, lúc mới chỉnh nhanh mình nghe như bắn rap ý nhưng nghe nhiều rồi quen, dần dần thấy chậm đi.
- LỢI: Sau này nghe người Trung nói nhanh, mình cũng thấy bình thường, sẽ không lo không nghe được; Thi HSK, mình nghe tốc độ nhanh nhiều rồi nên đến lúc nghe tốc độ bình thường của HSK thì thấy chậm, HSK 5 mình được 100 điểm phần nghe, HSK 6 khó hơn thật các bạn ạ mình được 92/100.
- HẠI: Mình cũng nói nhanh theo, bạn bè và người tiếp xúc với mình bảo mình nói tiếng Trung nhanh quá mà mình không cảm nhận được điều đấy, nói tiếng Việt cũng bị nhanh nữa, nên giờ mình không thay đổi tốc độ nữa. Vì đi thuyết trình hay dạy học mà nói nhanh thì không được.
NÓI
Mình là một người nhát vô cùng, trước kia không dám đứng trước đám đông nói chuyện chứ đừng nói là nói tiếng Trung, đi đường gặp người Trung Quốc muốn bắt chuyện mà không dám, sau đó mình đã làm những gì:
- XEM CÁC CHƯƠNG TRÌNH VỀ NGÔN NGỮ: Trong một lần tình cờ lướt Weibo thì mình thấy 1 đoạn cắt của chương trình 《奇葩说》Sau đó mình tìm kiếm tất cả video của chương trình từ mùa 1 đến mùa 6, mình thật sự thích cảm giác đứng trên sân khấu nói tiếng Trung lưu loát như vậy, xem nhiều luyện nghe và có động lực nhiều lắm. Mình xem cả 《奇葩说》,《吐槽大会》,《脱口秀》. Những chương trình này cách diễn đạt đời thường, dễ hiểu và hài nữa.
- TỰ NÓI TRƯỚC GƯƠNG, TỰ KỶ MỘT MÌNH: Từ khi nghiện các chương trình cãi nhau trên sân khấu (biện luận) mình thường xuyên đứng trước gương và nói một mình, nhiều khi vừa đi xe máy vừa dùng tiếng Trung nói ra suy nghĩ của mình (cái này cẩn thận nha, tai nạn mình không chịu trách nhiệm nhé)
- NÓI CHUYỆN VỚI NGƯỜI TRUNG: Quen được để nói thì tốt quá, nói nhiều họ sửa cho mình ý. Các bạn cũng có thể tìm bạn học cùng chí hướng để luyện nhé.
- TRAU DỒI VỐN TỪ, KHI NÓI DÙNG TỪ ĐƠN GIẢN: Nói chuyện với người Trung không nhất thiết phải ngữ pháp từ vựng đúng 100%, mình chỉ cần dùng những từ đơn giản, đến bây giờ đi dịch tiếng Trung nhiều lúc mình không biết từ đấy nói như thế nào, mình sẽ dùng những từ đơn giản hơn để giải thích.
ĐỌC + TỪ VỰNG+ VIẾT
Cái này có cơ hội chia sẻ sau nhé, mình viết liền 10 cái trang word đau hết tay luôn, mà không biết có tác dụng gì với mọi người không nữa. Và mục đích chính là chia sẻ quá trình apply học bổng nên bài chia sẻ của mình hôm nay đến đây thôi. )
Nếu mọi người muốn tìm hiểu hơn về việc học tiếng Trung có thể theo dõi page facebook của mình TIẾNG TRUNG LÝ THÚ https://www.facebook.com/Ti%E1%BA%BFng-Trung-L%C3%BD-Th%C3%BA-%E8%B6%A3%E5%91%B3%E6%B1%89%E8%AF%AD-109528118119655/?ref=pages_you_manage (Mình chỉ chia sẻ kiến thức tiếng Trung, không kinh doanh buôn bán gì hết và mình mới lập được 6 ngày, các bạn ủng hộ mình nhé.
Cuối cùng mình nghĩ kết quả mình đạt được là do mình đang làm đang học thứ mình thích, đam mê yêu thương có tác dụng lớn lắm cộng thêm may mắn và sự giúp đỡ từ thầy cô bạn bè và các anh chị nữa. Mình hi vọng bài viết của mình phần nào có tác dụng với các bạn.
Nếu các bạn đọc đến đây nhớ cho mình xin một like nhé, mình viết bài làm ảnh và đăng từ 9h tối qua đến hiện tại là 9h20 sáng, không ngủ chút nào, cũng viết ra hết suy nghĩ và tình cảm của mình, mong mọi người ủng hộ nhé. Cảm ơn tất cả các bạn rất nhiều!.
3 Comments
Nhàn là sv xuất sắc!
❤️❤️❤️Bài viết tâm huyết quá
Cảm ơn bạn rất nhiều, bài viết có tâm thât sự