DU HỌC TRUNG QUỐC – HÀNH TRÌNH CHƯA HỒI KẾT
Bài viết này là tâm sự của mình, sau quãng thời gian tự theo đuổi tiếng Trung thì đây là những cảm nhận theo góc nhìn của bản thân.
Cô gái năm nay 17 tuổi với mọi thứ hướng đến mục tiêu “Du học Trung Quốc” đều đang ở mức chuẩn bị, chuẩn bị thi chứng chỉ, chuẩn bị apply học bổng, chuẩn bị một hồ sơ tốt nhất có thể… Và cả chuẩn bị nếu danh sách trúng tuyển không gọi tên mình.
Đương nhiên, tất cả đều đang ở phía trước, mọi thứ chúng ta lo sợ trên thực tế đều chưa hề xảy ra, vì vậy điều duy nhất có thể là hãy chuẩn bị thật tốt để sau này chúng ta không phải hối hận về hành trình của chính mình!”
“- Ê, cô lại gọi ra gặp kìa!
– …
– Nhanh lên!
– Ừ, tao biết rồi, ra liền!”
Đây không phải lần đầu tiên giáo viên chủ nhiệm gặp riêng mình để trao đổi, tất nhiên mình biết cô muốn nói gì, vẫn là cái câu chuyện “Học tiếng Trung làm gì? Lớp ta là chuyên Anh cơ mà.” Tôi vẫn nhớ như in lần trước, khi cô hỏi “Đối với em, ngôn ngữ Trung là gì? Thực sự quan trọng đến thế sao?”.
Tôi dù ở lớp chuyên Anh đàng hoàng nhưng đã bỏ lại và theo đuổi thứ tiếng mà trước nay chưa từng nghe qua, thì tất nhiên Hán Ngữ thực sự quan trọng, nhưng mình dường như chết lặng vào thời điểm đó vì chính bản thân cũng không biết câu trả lời. Im lặng vì không biết, im lặng vì lúc này bản thân chưa có gì để chứng minh về sự lựa chọn trái ngang này. Và tất nhiên có thể là sai nhưng tôi một giây cũng chưa hề hối hận.
Sau gần hai năm, tất nhiên chưa phải là quãng thời gian dài nhưng bằng tất cả những nỗ lực, thì hôm nay bản thân tôi đã tự tin nói với mọi người rằng “Đó là hành trình, là ước mơ của tôi.”
“Nếu chúng ta không có lý tưởng, đầu óc chúng ta sẽ rơi vào trạng thái uể oải, nếu chúng ta không lao động thì làm sao lý tưởng của chúng ta có thể thực hiện được” – Chen Yi –
Từ một cô bé ham chơi, ngay cả việc học cũng chưa từng tự giác, động lực nào khiến mình theo đuổi ngôn ngữ này?
Tôi năm nay 17 tuổi, là người hướng ngoại. Từ những năm cấp 2 tôi chưa bao giờ hứng thú với việc học hành, bố mẹ và giáo viên luôn phải đau đầu với “cô bé 14 tuổi” nhưng thứ tôi chú trọng đến chỉ là các trang mạng xã hội, bạn bè và thậm chí là yêu đương sớm… Bốn năm cấp II, vòng lặp của tôi chỉ xoay quanh những việc như vậy và thực sự “chán ghét” việc học.
Thời gian dần trôi, tôi đậu vào trường cấp 3 khá danh tiếng của thành phố, bất ngờ hơn khi tôi được xếp vào lớp chọn chuyên Anh của khối. Thật sự, ham chơi là vậy nhưng chẳng biết từ khi nào môi trường này đã khiến tôi ý thức bạn bè nỗ lực thế nào và nếu tôi vẫn tiếp tục chơi thì khi nào mới đuổi kịp họ.
Một phần thấy thua kém và một phần chịu không ít chỉ trích từ thầy cô, tôi lao đầu vào học, một ngày trừ thời gian học thêm, học trên lớp thì tôi tiếp tục học ở nhà tới 11 giờ đêm và tiếp tục dạy học vào 3 giờ sáng hôm sau, lần đầu tiên tôi biết cảm giác “ăn thua” nhau từng con điểm.
Hai tháng trôi qua với lịch trình như vậy, các giáo viên luôn khen ngợi rằng tôi tiến bộ rất nhiều và tôi cũng khá vui mừng về điều đó. Cho đến khi, nhận kết quả của kì thi cuối học kỳ, tôi đã háo hức mong chờ về điểm số để rồi đến hôm thông báo tôi đã khóc vì không lọt nổi top 20. Áp lực về “điểm số” khiến tôi stress kinh khủng, bị ám ảnh và lại tiếp tục lao đầu vào học, nhưng mọi thứ dường như rối tung lên.
Bố mẹ, bạn bè, thầy cô khi đó đều là “nỗi sợ” và tôi luôn tìm cách né tránh. Cũng dễ hiểu, vì ngay bản thân tôi còn không dám đối diện. Tất nhiên mọi thứ khi đó đối với một học sinh lớp 10 thì chỉ mới là bắt đầu, và tôi cũng nhận thức được bản thân đã cố gắng rất nhiều nhưng tôi chỉ được phép “Vấp ngã nhưng đừng gục ngã”.
Một thời điểm nào đó, tôi ghi nhận bản thân đã nỗ lực rất nhiều nhưng kết quả nhận được không mấy ưng ý và rồi tự đặt ra câu hỏi rằng “Bản thân liệu có phù hợp với Tiếng Anh? Sao không phải là một ngôn ngữ khác?”. Và đó cũng là nét mở đầu cho “Hành trình tự học Tiếng Trung” của tôi.
Chọn Tiếng Trung thay vì Tiếng Anh, liệu có đúng?
Đúng hay không thì bản thân tôi cũng chưa dám trả lời, vì như đã nói ở trên tôi năm nay chỉ mới 17 tuổi và năm nay mới bắt đầu apply. Nhưng bản thân luôn quan niệm rằng, chẳng cái gì là sai cả vì mỗi người có một thế mạnh và đặc điểm riêng. Và nếu không thử thì mãi mãi chính bản thân bạn cũng không biết bạn thích gì? Muốn gi? Phù hợp với cái gì?
Bỏ một thứ tiếng mà đã được học khi vỡ lòng, để theo ngôn ngữ trước nay chưa từng nghe qua, không được ai chỉ bảo… Là bạn, bạn có sợ không?
Còn mình, mình sợ chứ. Mọi thứ chỉ bắt đầu bằng “tự học” liệu có ổn, rồi sau này thi Đại Học bằng Tiếng Anh thì phải làm sao (lúc này mình vẫn chưa tìm hiểu đến khối D07 và cũng chưa có chút suy nghĩ nào về việc du học) vì mình còn không biết là mình có tiếp thu được ngôn ngữ này không cơ mà. Lúc đó mình chỉ biết được rằng nhất định mình phải thử!
Tự học Tiếng Trung, có thể không?
Theo tất cả những thứ mình được biết và được học, thì đây là điều hoàn toàn có thể. Có không ít các anh chị đã tự mày mò học Tiếng Trung để giao tiếp, làm việc và thi chứng chỉ với kết quả rất đáng ngưỡng mộ. Bản thân mình do tình hình dịch bệnh nên chưa đăng kí được và đang chờ kỳ thi tháng 11 năm nay.
Mọi thứ bắt đầu với mình bằng con số 0 và mình đã phải tự học lại HSK 1 tận 3 lần do bị ngắt quãng bởi nhiều lý do, hiện tại mình đang ôn HSK4 và luôn cảm thấy may mắn khi những ngày mới bắt đầu dù có nhiều trở ngại nhưng đã đứng lên và làm lại chứ không phải là bỏ cuộc. Lộ trình tự học của mình bắt đầu từ:
Học thanh mẫu, vận mẫu -> Tập đọc pinyin, tập viết chữ Hán -> Học bài khóa, ghi nhớ từ vựng -> Làm bài tập, luyện nghe.
Đương nhiên, vì tự học nên nhiều phần mình còn bị hạn chế. Kỹ năng nghe nói của mình không tốt do không có môi trường giao tiếp, kĩ năng đọc hiểu thì ở mức tạm ổn vì mình không gặp quá nhiều trở ngại trong việc ghi nhớ từ vựng.
Còn về phần viết, mặc dù đã cải thiện hơn nhưng cũng không ít những lúc mình làm sai, mình biết điều đó nhưng sai ở đâu và vì sao sai thì mình vẫn mơ hồ lắm.
Vì vậy, nếu có điều kiện thì mọi người nên đi học trung tâm hoặc đăng ký khóa học online. Thứ nhất, bạn có thể có phản xạ nhanh hơn vì có môi trường giao tiếp từ thầy cô, bạn bè. Thứ hai, được truyền tải những kiến thức đúng và chắc chắn chứ không phải đắn đo chọn tài liệu như thế nào và được thầy cô chỉ ra và sửa lỗi sai.
Còn nếu bất cập trong việc đến trung tâm thì mọi người có thể lên các hội nhóm “Học Tiếng Trung Mỗi Ngày”, “HSKClub- Luyện thi HSK(K) và web riba.vn để tìm những tài liệu, phương pháp phù hợp cũng như lắng nghe kinh nghiệm của các anh chị, thầy cô đã đi trước.
Mình đã tìm và lựa chọn được cách tự học phù hợp nhưng vì mình chưa thi và chưa dám chắc hiệu quả nên sau khi có kết quả thi mình sẽ cố gắng khẳng định và viết tiếp câu chuyện tự học đang dang dở này.
Tiếng Trung đã thay đổi cuộc sống của mình như thế nào?
Cải Thiện Bản Thân
Khi bắt đầu hành trình học Tiếng Trung, đồng thời cũng là nét bút đầu tiên cho chặng đường mang tên “tự học” của mình. Không chỉ dừng lại ở Tiếng Trung, khả năng tự học những bộ môn bắt buộc ở lớp hay những môn nghệ thuật khác của mình cũng cải thiện rất nhiều.
Vì tìm hiểu khá sớm nên ngay sau khi chương trình lớp 10 kết thúc sang năm 11, song song với việc học tiếng mỗi ngày thì mình đã tự học để cải thiện GPA.
Ngoài lịch học trên trường cũng khá dày, và mình khi đó cũng đã không còn mông lung về những định nghĩa như “Học tiếng Trung kiểu gì nhỉ?”, “Làm sao để học tiếng Trung đây?”. Tóm lại, mình đã ổn định và duy trì được về việc tự học nên mình dành khá nhiều thời gian cho ngôn ngữ này vì vậy mình chọn cách không đi học thêm bất cứ môn nào.
Kiến thức trên lớp hay điểm số của mình đều vượt xa so với tình trạng học 3-4 ca một ngày của năm lớp 10, mình cũng đã biết cách kiểm soát, cân bằng thời gian sinh hoạt, học tập, vui chơi. Mình tìm đến và tiếp tục tự học thành thạo nhạc cụ như ukulele, guitar và bây giờ mình đang tìm hiểu về organ.
Mục đích chơi nhạc cụ của mình là để tự đàn được các bài hát tiếng Trung mà mình thích. Sau tất cả, thì mọi thứ thay đổi trong thời gian không dài đó đều giúp mình trong việc “Cải thiện bản thân”.
Cải Thiện Các Mối Quan Hệ
Như đã chia sẻ, từ cấp 2 mình là đứa chơi nhiều hơn là học, vì vậy khi lên cấp 3 các mối quan hệ xung quanh mình đa số là các bạn cùng chí hướng như vậy (trong trường hợp của mình, mình thấy câu “Mây tầng nào, gặp tầng ấy” cũng khá đúng khi nói về các mối quan hệ xung quanh, một người giỏi tất nhiên họ luôn mong muốn tìm được những người giỏi hơn để kết bạn mà noi gương).
Trong câu chuyện của mình, mình thấy môi trường và quan hệ bạn bè ảnh hưởng rất nhiều. Mình cảm thấy may mắn khi “không may” đậu vào “lớp chọn Anh” mặc dù hiện tại mình không còn hứng thú với bộ môn này, nhưng trong môi trường này mọi người luôn không ngừng nỗ lực và một đứa ham chơi như mình đã bị cuốn theo sự “hừng hực” đó.
Sau khi tự học được nhiều điều thì mình ngẫm ra “Có lẽ mình không còn phù hợp với những người bạn ‘ghét học’ đó nữa, cảm thấy nhàm chán và phí thời gian với những thứ mà mình đã từng coi nó là thú vui, điều không thể thiếu”.
Sau đó, mình đã biết chọn lọc hơn và cảm thấy những mối quan hệ xung quanh mình bây giờ đều vô cùng “đáng giá”, họ luôn tôn trọng, giúp đỡ mình bất cứ khi nào. Chắc chắn bạn bè bây giờ của mình bây giờ không bằng một nửa cấp II nhưng họ luôn “truyền lửa” và là tấm gương để mình noi theo về nhiều lĩnh vực.
Về gia đình, ngay từ khi bắt đầu học tiếng Trung bố mẹ mình đã cấm đoán rất nhiều, và nhất quyết một đồng cũng không đầu tư về cái “sở thích nhất thời” này của mình. Vì ngay từ nhỏ bố mẹ đã đầu tư và hy vọng không ít cho tiếng Anh, giờ mình bảo học một ngôn ngữ mà ngay cả bắt đầu từ đầu mình còn không biết thì liệu phụ huynh nào đồng ý cho nổi.
Ngay cả khi mình đã ổn định và nghiêm túc suy nghĩ về chuyện du học, bố mẹ vẫn nhất định không đồng ý và vẫn giữ áp đặt về ngành Luật đối với mình. Tồi tệ hơn mình và giáo viên cũng mâu thuẫn về vấn đề này, cô thường xuyên gọi điện cho phụ huynh để trao đổi về cách lựa chọn của mình. Và mỗi lần như vậy, nhà mình lại xảy ra không ít những cuộc cãi vã.
Áp lực không? Có chứ, đâu có ai ủng hộ mình, yên bình còn chẳng được mà, nhưng những thứ đó dường như biến thành động lực để mình biết phải cố gắng hơn để ít nhất chứng minh cho họ thấy rằng đó không phải là sự lựa chọn “nhất thời” của mình.
Tới hiện tại, gia đình mình đã chấp nhận và ủng hộ ước mơ du học của mình, và mình nhận được sự quan tâm, lo lắng cũng như tin tưởng của bố mẹ nhiều hơn. Còn về giáo viên ở lớp thì có lẽ cô vẫn khá không vui khi mình không còn chú tâm vào tiếng Anh như trước, nhưng cô vẫn luôn dành nhiều sự quan tâm cho “cô bé lạc loài” trong lớp chuyên Anh của cô.
Sau tất cả, mình nhận thấy một câu nói mình vô tình đọc qua trên mạng rất đúng, đó là “Khi bạn bắt đầu yêu bản thân, cả thế giới sẽ yêu bạn.”
Liệu sẽ thành công hay thất bại?
Mình năm nay học lớp 12 và mùa học bổng năm nay chắc hẳn không ít những bạn đồng trang lứa cùng apply. Chứng kiến hai mùa học bổng đã qua khi mà mình bắt đầu lựa chọn chinh phục ước mơ tên du học, ít nhiều qua các chia sẻ của các anh chị đi trước đã để lại cho mình nhiều điều cần thiết, trang bị những kiến thức bổ ích.
Cuối cùng mùa học bổng năm nay – mùa học bổng mà mình kỳ vọng nhất đã tới. Mọi thứ mình đã và đang cố gắng chuẩn bị tốt nhất có thể. Thất bại hay thành công thì mọi thứ vẫn đang nằm ở phía trước, nếu thành công thì thật hay nhưng khi thất bại thì mình cũng không thể trách móc bản thân vì mình đã nỗ lực hết sức rồi!
Đó sẽ luôn là hành trình ghi lại những lần vấp ngã, gặp khó khăn và rồi lại tiếp tục đứng dậy và bước tiếp cho tới ngày hôm nay, để rồi sau này mình sẽ lấy đây là động lực để chinh phục những thử thách mới.
Cuối cùng, chúc các anh chị và các bạn chuẩn bị hành trang thật tốt cho mùa học bổng năm nay!
3 Comments
Like
🤍
like