Giới thiệu về "Tôi"
Tôi là một du học sinh Thái Lan tại Bắc Kinh!
Vài nét về tác giả: Đinh Thiên Mỹ – Quốc tịch Thái Lan – Du học sinh khóa 2018 tại Trung Tâm Giáo dục Quốc tế Trung Quốc, khoa Nghệ thuật và Luật, trường Đại học Truyền thông Trung Quốc.
Cuộc sống của một du học sinh Thái Lan tại Bắc Kinh
Đôi lời chia sẻ về cuộc sống của một du học sinh Thái Lan tại Bắc Kinh khi theo học trường Đại học Truyền thông Trung Quốc của tôi.
Trong tim ai cũng có những ước mơ, và tôi cũng vậy. Ước mơ của tôi là được học tập tại trường Đại học Truyền thông Trung Quốc, đặc biệt là ở Bắc Kinh. Để thực hiện ước mơ của mình, tôi đã sớm tiếp xúc với tiếng Trung và rất chăm chỉ học tập. Tôi luôn rèn luyện hàng ngày để có thể nâng cao trình độ ngôn ngữ của mình.
Ngay sau khi tốt nghiệp cấp ba, tôi đã đăng kí rồi tham gia kỳ thi của Viện Khổng Tử và vượt qua nó thành công, sau đó tôi đã quyết định apply để đi du học và may mắn được nhận vào chuyên ngành Ngôn ngữ và Văn học Trung Quốc của Đại học Truyền thông Trung Quốc – nơi mà tôi hằng mơ ước.
Xem thêm: Đại học Truyền thông Trung Quốc
Học ở Bắc Kinh là lần đầu tiên tôi ra nước ngoài, cũng là lần đầu tiên tôi xa gia đình. Đối với tôi, du học ở Bắc Kinh là một trải nghiệm vô cùng mới mẻ trong cuộc đời của mình. Vào thời điểm đó, tiếng Trung của tôi không tốt và tôi chỉ có thể giao tiếp những câu đơn giản.
Ngay khi đến Bắc Kinh, tôi luôn cảm thấy mình đã sai lầm, muốn quay lại Thái Lan để học tập, bởi vì việc không thể giao tiếp khiến tôi thực sự muốn về nước. Tôi nhớ rằng khi đến T3 của sân bay Bắc Kinh, tôi đã bắt một chiếc taxi và chuẩn bị đến Đại học Truyền thông Trung Quốc.
Ngồi chưa được bao lâu thì bị tắc đường. Người lái xe bắt đầu trò chuyện với tôi mọi lúc, mọi nơi, mọi vấn đề, không chỉ đặt câu hỏi mà còn sử dụng phương ngữ Bắc Kinh. Lúc đó tôi suýt khóc: “Tài xế nói tiếng gì vậy! “câu vừa rồi nghĩa là gì?” Tôi thật sự không thể hiểu được nó.
May mắn thay, tôi có một người bạn cùng đến Trung Quốc với tôi vào thời điểm đó, tiếng Trung của anh ấy tốt hơn tôi nên anh ấy có thể trò chuyện với tài xế. Anh ấy hiểu biểu hiện của tôi và biết là tôi đang không hiểu người lái xe nói gì, vì vậy anh ấy mỉm cười và nói với tôi: “Đây là tiếng phương ngữ của Bắc Kinh”.
Từ khi học ở Đại học Truyền thông Trung Quốc, tôi nhận ra rằng từ “er” trong phương ngữ Bắc Kinh cũng có thể trở thành một trong số những trở ngại đối với tôi khi đi du học ở thành phố xa hoa, lộng lẫy này.
Tuy nhiên, cũng thật là may mắn vì trong khoảng thời gian sau đó ở Bắc Kinh, tôi có thể thường xuyên giao tiếp với các dì của ban quản lý ký túc xá, hầu như tuần nào tôi cũng ra chợ mua rau và trái cây, vì vậy mà tôi cũng sẽ được giao tiếp nhiều hơn với mọi người ở đó.
Vài tháng sau, tôi mới nghĩ rằng đặc điểm của tiếng Bắc Kinh là thêm đuôi “-er” rất dễ thương, và tôi cũng hiểu rằng nếu ai đó nói mà không có ” er ” thì có thể họ không phải người Bắc Kinh.
Vài năm trước, tôi không quen thuộc với Bắc Kinh, tôi cũng không biết văn hóa Trung Quốc hay phong tục Trung Quốc. Tôi thường đến một số địa điểm thú vị ở Bắc Kinh, nơi mà có các phong tục dân gian, chẳng hạn như ngõ Nam La Cổ, Hậu Hải, Cổ Lâu, Ngũ Đạo Doanh, v.v. Tôi còn đi xe đạp và dạo quanh những con ngõ của Bắc Kinh xưa.
Vào thời điểm đó, là một du học sinh Thái Lan tại Bắc Kinh, tôi cảm thấy rằng mỗi phút giây đều vô cùng quý giá, tôi đã tận dụng từng phút để đắm mình trong ánh nắng của văn hóa truyền thống ở nơi đây, đồng thời sử dụng các phần mềm như Weibo và WeChat để giao lưu kết bạn với các bạn trẻ Trung Quốc.
Vì vậy, tôi đã biết được thêm một số nét văn hóa đẹp đẽ của Trung Quốc và rất nhiều phong tục tập quán địa phương ở Bắc Kinh. Khi tôi đi du học ở Bắc Kinh, tôi rất vui và có nhiều động lực để học tập chăm chỉ.
Ngoài những điều này, còn có một chi tiết khác biệt trong cách tôi ăn uống: Hầu hết mọi người ở Trung Quốc đều ăn bằng đũa. Nhưng ở Thái Lan, mọi người ăn bằng thìa và chỉ ăn bằng đũa khi ăn mì.
Ngoài ra, có một sự khác biệt lớn giữa đồ ăn Thái Lan và đồ ăn Bắc Kinh, đồ ăn Bắc Kinh rất nhiều dầu mỡ, nhưng ở Thái Lan chúng tôi không ăn đồ nhiều dầu mỡ như vậy, chúng tôi cũng quen ăn đồ ăn cay theo vị Thái Lan hơn. Vì vậy, khi tôi mới đến, tôi thường mang theo tương ớt Thái khi đến nhà ăn của trường.
Sau một thời gian, tôi tự nhủ, để cảm nhận được văn hóa thì trước hết phải mở lòng đón nhận nó. Vì vậy, tôi dần dần quen với thức ăn ở đây, sửa thói quen ăn uống cũ và không mang theo tương ớt nữa. Bây giờ tôi cực mê Vịt quay Bắc Kinh, Malatang, Lẩu Mala, Xiên que, và rất nhiều món ăn Trung Quốc khác.
Hồi đó, tôi nghĩ mình không thể sống sót ở Bắc Kinh! Nói chuyện với người Trung Quốc, họ không hiểu. Ăn ở quán nào cũng không ngon, lại không biết ăn bằng đũa. Họ không dùng thìa để húp súp, tôi thấy lạ và khó chấp nhận. Nhiều đêm tôi không ngủ được và tôi cứ nghĩ, cứ nghĩ xem làm thế nào để có thể vượt qua khoảng thời gian tăm tối này.
Bây giờ mọi thứ đã ổn, tôi đã quen với cuộc sống của mình. Thói quen sinh hoạt của một du học sinh Thái Lan tại Bắc Kinh như tôi giờ đây đã như một người dân địa phương, mỗi ngày đều ăn ngon ngủ yên.
Tôi rất biết ơn vì cơ hội tốt này đã cho tôi biết thêm về văn hóa Trung Quốc, biết đến phong tục tập quán của Trung Quốc và cho tôi thấy nhiều phong cảnh đẹp đẽ, mỹ lệ mà tôi chưa từng thấy trước đây.
Trường Đại học Truyền Thông Trung Quốc cũng đã dạy cho tôi rất nhiều điều, giúp tôi có thể phát triển năng lực của mình, giúp tôi ngày càng tự tin, cởi mở hơn với mọi người xung quanh. Thật sự, tôi coi việc được học tập và trải nghiệm tại Bắc Kinh là điều tuyệt vời nhất trong cuộc đời của mình và tôi sẽ luôn trân trọng khoảng thời gian đó.
Tôi yêu Bắc Kinh – Yêu Đại học Truyền thông Trung Quốc – Yêu Trung Truyền nhiều lắm !!!
Từ một du học sinh Thái Lan tại Bắc Kinh.