Trung Quốc nổi tiếng là đất nước có nền kiến trúc văn hóa lâu đời, trong đó điển hình là các loại hình nhà ở đa dạng. Là một đất nước rộng lớn với hơn 55 dân tộc sống phân bố rải rác ở nhiều nơi.
Để phù hợp với đặc trưng khí hậu, điều kiện tự nhiên của mỗi khu vực, mà các dạng nhà ở khác nhau đã được xây dựng để đáp ứng nhu cầu này.
Hãy cùng Du học Trung Quốc Riba điểm qua lối kiến trúc của các loại hình nhà ở tại Trung Quốc qua bài viết sau nhé!
Các loại hình nhà ở tại Trung Quốc
Tứ Hợp Viện – 四合院
Tứ Hợp Viện Bắc Kinh là kiểu nhà được tạo ra bởi bốn gian nhà hình chữ nhật được sắp xếp trật tự, nghiêm ngặt với nhau tạo thành hình vuông khoảng giữa là sân trong.
Kiểu nhà Tứ Hợp Viện được thiết kế dành cho những gia đình có nhiều thế hệ cùng nhau sinh sống. Người đứng đầu gia đình sẽ sống ở gian nhà chính, nơi đây cũng là nơi đặt bài vị thờ cúng tổ tiên.
Các gian nhỏ hai bên sẽ được xây dựng quy mô hẹp và thấp hơn gian nhà chính, để thể hiện quyền lực và tầm quan trọng của gian nhà chính. Nhà phụ là nơi ở của các thành viên còn lại trong gia đình.
Và đặc biệt, con gái trong những gia đình này sẽ buộc phải ở vào những gian nhà phụ nằm cách xa cổng chính nhất. Vì vào thời này, theo quan niệm khắt khe của phong kiến thì nữ giới không được tự ý ra khỏi nhà.
Lấy bóng mát từ những mái hiên nhà, sân trong đóng vai trò như khoảng không gian sinh hoạt ngoài trời chung dành riêng cho cả gia đình.
Kiến trúc nhà ở Tứ Hợp Viện được thiết kế xây dựng chặt chẽ còn để giúp người dân Bắc Kinh chống lại thời tiết, khí hậu khắc nghiệt ở nơi này. Các dãy nhà Tứ Hợp Viện được xây dựng liền kề nhau tạo thành Hồ Đồng. Đây là một dạng ngõ hẻm kết nối nhau với toàn bộ thành phố.
Ngày nay, nhà Tứ Hợp Viện được ngăn ra và chia cho nhiều hộ gia đình sinh sống, điều kiện xuống cấp, thiếu tiện nghi, thường không quá 2 tầng, nên không thể đáp ứng được mật độ dân cư đông đúc tại Bắc Kinh.
Những dự án xây dựng chung cư cao tầng đã được đưa vào vừa thực hiện cải tạo, vừa cố gắng gìn giữ bản sắc các căn Tứ Hợp Viện và Hồ Đồng truyền thống.
Thổ Lâu – 土楼
Một trong các loại hình nhà ở tại Trung Quốc, nhất định phải kể tên Thổ Lâu. Thổ Lâu là dạng nhà ở thường thấy tại vùng ngoại ô phía Đông Nam tỉnh Phúc Kiến, do tộc người Khách Gia xây dựng lên.
Thổ Lâu được tạo nên từ đất và các cột gỗ dày, có hình dạng phổ biến là tròn hoặc chữ nhật, với những bức tường rất dày cao đến 4, 5 tầng và bên trên cùng là lợp ngói.
Những bức tường cao dày được tạo ra bằng cách trộn đất nện với đá, tre, gỗ hoặc các vật liệu khác. Và chỉ có duy nhất một cổng vào được gia cố chắc chắn bằng nhiều tấm gỗ dày. Trên tầng cao nhất của Thổ Lâu sẽ có những lỗ để đặt súng.
Tất cả các ban công, cửa đi, cửa sổ và các khoảng mở đều được xây dựng hướng vào phía sân trong, kết cấu xây dựng như vậy sẽ giúp bảo vệ người dân khỏi sự tấn công từ bên ngoài.
Bên trong những bức tường cao dày này sẽ thường gồm nhiều gian nhà nhỏ, có sảnh, nhà kho, giếng nước, khu vực sinh hoạt chung,…Các gian nhà ở trong Thổ Lâu được chia đều nhau thể hiện sự bình đẳng trong xã hội, khác với cấu trúc phân cấp như Tứ Hợp Viện.
Một Thổ Lâu có thể chứa một gia tộc lên đến hàng trăm người. Toàn bộ cấu trúc Thổ Lâu giống như một pháo đài thu nhỏ với một không gian mở bên trong dành cho các hoạt động sinh hoạt cộng đồng.
Năm 2008, có 46 căn Thổ Lâu đã được UNESCO công nhận là Di sản thế giới nhờ vào thiết kế kiến trúc độc đáo, đã góp phần giúp bảo tồn và gìn giữ loại hình nhà ở này trước làn sóng đô thị hóa đang phát triển mạnh mẽ tại Phúc Kiến.
Diêu Động – 窑洞
Diêu Động là kiểu nhà dạng hang động, có nhiều ở vùng nông thôn phía Bắc Trung Quốc, đặc biệt là tại tỉnh Thiểm Tây. Diêu Động được xây dựng từ việc sử dụng đất tại các sườn đồi. Người dân có thể khoét trực tiếp vào sườn đồi hoặc đào sâu xuống lòng đất.
Hay cũng có thể xây dựng độc lập bằng cách nén đất và đắp bao quanh lõi khung gạch. Cách xây dựng như vậy như cũng là một cách tận dụng vật liệu để cách nhiệt tự nhiên, tránh khí hậu khắc nghiệt vào mùa hạ và mùa đông ở khu vực này.
Các ngôi nhà tương tự như vậy được xây lên liền kề hoặc thậm chí chồng lên nhau để cùng tạo thành một ngôi làng theo từng cấp. Đây thường là nơi sinh sống của cả một gia tộc hoặc của một vài hộ gia đình.
Ngày nay, loại hình nhà ở Diêu Động đang ngày càng bị mai một do đô thị hóa. Nhưng nhờ vào những nhận định mới về các lợi ích kinh tế và môi trường, nhiều tổ chức phi chính phủ đã đang có những kế hoạch đầu tư xây dựng nó như một loại hình kiến trúc xanh cần giữ gìn và phát huy trong cộng đồng.
Thạch Khố Môn – 石庫門
Dạng nhà ở kiểu Thạch Khố Môn đã từng là nơi sinh sống của hơn 60% người dân Thượng Hải những năm đầu thế kỷ 20. Các dãy nhà xây lên bằng gạch và gỗ, cao không quá ba tầng, liền kề nhau.
Bên ngoài là cánh cổng bằng đá, trên cổng thường có các chiếc vòng sắt cỡ lớn dùng để gõ cửa. Các dãy nhà san sát nhau tạo thành những con ngõ nhỏ tách biệt.
Trong những con hẻm này chính là khu vực diễn ra các hoạt động đời sống thường nhật của người Thượng Hải như: uống trà, đánh cờ, chơi bài, giặt quần áo hay làm mì sợi,…
Ngày nay, rất nhiều những khu Thạch Khố Môn đã bị chính quyền cho giải tỏa để xây dựng thành các chung cư cao tầng.
Với sự phát triển của đô thị hóa và mật độ dân số đứng đầu Thế giới của Trung Quốc hiện nay, thì các loại hình nhà ở như Tứ Hợp Viện, Thổ Lâu, Diêu Động hay Thạch Khố Môn đều đang ngày càng trên đà xóa sổ và thay vào đó là những tòa nhà cao ốc chọc trời.
Nếu có dịp đến Trung Quốc hãy tham quan ngay những kiến trúc nhà ở độc lạ này, trước khi chúng không còn tồn tại nữa nhé!