Thời kỳ hiện đại hóa văn học Trung Quốc được bắt đầu tính từ ngày 4 tháng 5 năm 1919 (Phong trào Ngũ Tứ ) đến ngày 1 tháng 10 năm 1949 (Nước Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa thành lập).
Thời kì này, mặc dù tình trạng trọng nam khinh nữ tại Trung Quốc vẫn còn tồn đọng khắp nơi nhưng tư tưởng tiến bộ dần được hình thành, và các nhà văn nữ đã có thể cất lên tiếng nói của chính mình thông qua thơ ca và văn học.
Ngay sau đây, chúng ta hãy cùng Riba điểm lại 5 nhà văn nữ nổi tiếng nhất Trung Quốc thời kỳ hiện đại nhé!
5 nhà văn nữ nổi tiếng nhất Trung Quốc thời kỳ hiện đại
Băng Tâm
Băng Tâm (冰心1900-1999) là nhà văn, nhà thơ nữ Trung Quốc hiện đại. Một trong những nhà văn nữ Trung Quốc hiện đại được yêu mến nhất của thế kỷ XX.
Tên thật là Tạ Uyển Oanh 谢婉 莹¨, sinh năm 1902 tại Phúc Kiến trong một gia đình phong lưu. Bà rất thông minh, yêu văn thơ. Học văn học ở Trường Đại học Bắc Kinh
Sau đó sang Mỹ học Thạc sĩ Văn học Anh tại trường Wellesey College. Năm 1926 trở về Trung Quốc và dạy học ở trường Đại học Thanh Hoa và trường Nữ Bắc Kinh. Bà cũng sang Nhật một năm (1949-1950) theo một chương trình trao đổi học giả.
Vào thời kỳ đó, một phụ nữ có bề dày học tập và giáo dục như vậy đương nhiên là hiếm hoi.
Bà bắt đầu viết từ khi vận động văn học Ngũ Tứ nổ ra, đăng truyện ngắn, thơ, tùy bút trên Thần báo, Tiểu thuyết nguyệt báo, là một trong những nữ sĩ đầu tiên bước vào con đường văn học và kéo dài suốt gần một thế kỷ.
Tác phẩm của bà mang tính luận đề, nêu lên những vấn đề tâm lý, nhân sinh, giải phóng phụ nữ, chủ nghĩa cá tính mạnh mẽ.
Trong tác phẩm Lưỡng cá gia đình (两个家鼎,Hai gia đình) bà đã dùng nghệ thuật so sánh đối lập để chỉ ra sự cần thiết của việc đổi mới gia đình cũ kỹ và xây dựng một kiểu gia đình mới.
Còn trong Tư nhân độc tiều tụy (斯人獨 憔 悴, Riêng người ấy tiều tụy) bà đã vạch ra sự chuyên chế, độc tài của chế độ phong kiến thông qua việc miêu tả xung đột giữa cha và con trai.
Với tác phẩm Khứ quốc (去國, Bỏ nước) bà viết về sự trở về của một học giả với tất cả nhiệt tình yêu nước nhưng tài năng của anh ta không được trọng dụng cho thấy bóng đen của chế độ phong kiến vẫn còn đè nặng.
Trong Trang Hồng đích tỉ tỉ (张红的姐姐,Người chị của Trang Hồng) nói về việc đối xử tệ bạc và áp bức đối với người phụ nữ,…
Tất cả những tác phẩm trên đều cho thấy vận động yêu nước Ngũ Tứ và làn sóng tư tưởng mới đã ảnh hưởng mạnh mẽ đến nhà văn Băng Tâm.
Say mê quan tâm đến những hiện thực của thời mình, bà bất bình sâu sắc với chế độ phong kiến. Tuy vậy những nhân vật nữ của bà thì rất yếu ớt, họ không dám nổi dậy chống lại thế lực của chế độ phong kiến mà để cho “chế độ phong kiến chiến thắng họ một cách ngoạn mục”.
Đinh Linh
gười thứ hai là Đinh Linh (丁 玲, 12.10.1904 – 4.3.1986) tên thật là Tưởng Băng Chi 蒋冰之. Bà sinh tại Hồ Nam trong một gia đình địa chủ, sớm mồ côi cha.
Bà có tính độc lập, cứng cỏi như con trai, không chịu sự ràng buộc của gia đình. Từng từ chối sự sắp đặt của gia đình bắt kết hôn với một người anh họ. Học ở Thành Đô, Trường Sa, Bắc Kinh, Thượng Hải và nhiều nơi khác.
Bà còn học khoa văn học ở Đại học Thượng Hải. Những tác phẩm của Đinh Linh chịu ảnh hưởng của phong trào Ngũ Tứ rất rõ. Năm 1927 bắt đầu viết truyện ngắn đầu tay Mộng Kha 梦珂 đăng trên Tiểu thuyết nguyệt báo được độc giả hoan nghênh.
Tiếp tục viết nhiều truyện như Xa Phi nữ sĩ đích nhật ký (莎菲女士的日记, Nhật ký của Xa Phi)… Những truyện này sau in thành tập Tại hắc ám trung (在黑暗中,Trong cảnh tối tăm, 1929).
Năm 1928, cùng chồng là Hồ Dã Tần và bạn thân là Thẩm Tòng Văn đến Thượng Hải xuất bản nhiều tờ báo. Năm 1930 tham gia Tả Liên.
Năm 1931 chồng bà Hồ Dã Tần là một nhà văn Cộng sản bị Quốc Dân đảng giết hại cùng với năm nhà văn nữa. Năm 1933 bà bị Quốc Dân đảng bắt, mấy năm sau mới được thả, bà trốn vào Diên An- căn cứ địa cách mạng.
Trương Ái Linh
Trương Ái Linh (tên chữ Hán giản thể: 张爱玲, tên tiếng Anh: Eileen Chang) (30 tháng 9 năm 1920 – 8 tháng 9 năm 1995) là một nhà văn nữ của Trung Quốc.
Những tác phẩm nổi tiếng nhất của bà bao gồm Sắc, Giới (Lust, Caution) và Tình yêu khuynh thành (Love in a Fallen City). Bà được chú ý vì những tác phẩm nói về những căng thẳng giữa đàn ông và phụ nữ trong tình yêu.
Bà cũng được một số học giả nhận định là một trong những tác giả văn học Trung Quốc xuất sắc nhất trong thời kỳ này.
Những miêu tả của bà về bối cảnh ở Thượng Hải và Hong Kong bị Nhật chiếm đóng trong những năm 1940 gây ấn tượng vì chỉ tập trung vào cuộc sống đời thường chứ không có những ẩn dụ chính trị như những nhà văn cùng thời khác.
Danh vọng và tiếng tăm của bà trái ngược lại với cuộc sống cá nhân gặp nhiều trắc trở với những nỗi thất vọng, bi kịch, xa lánh và kết thúc bằng cái chết do bệnh tim vào tuổi 74.
Tiêu Hồng
Tiêu Hồng là bút hiệu của một nữ văn sĩ Trung Hoa và Hồng Kông. Ngoài ra, bà còn có những bút hiệu khác như là Thiểu Ngâm, Điền Đễ hay Linh Linh.
Tiêu Hồng là tác giả của nhiều cuốn tiểu thuyết, tản văn và thơ, dù là một nhân vật nổi tiếng trong giới thơ văn Trung Quốc nhưng cuộc đời của bà lại trải qua muôn vàn bất hạnh từ lúc chào đời cho đến khi nhắm mắt xuôi tay.
Tiêu Hồng còn là một trong những nữ nhà văn có ảnh hưởng nhất thế kỷ 20 ở Trung Quốc, nổi tiếng với những bài báo viết về chủ nghĩa đế quốc Nhật ở Trung Quốc.
Bà là một nữ nhà văn có phong cách nghệ thuật độc đáo, độc nhất vô nhị trong lịch sử văn học với giọng điệu cảm xúc buồn vui lẫn lộn, phong cách hành văn chặt chẽ nhưng ngôn từ lại rất mềm mại.
Tông Phổ
Tông Phổ tên thật là Phùng Trung Phố, sinh ngày 26 tháng 7 năm 1928 tại Bắc Kinh, quê ở Đường Hà, Hà Nam, tốt nghiệp khoa Ngoại ngữ của Đại học Thanh Hoa.
Do chịu ảnh hưởng của văn hóa phương Tây trong một thời gian dài, các tác phẩm của bà chứa đựng cả tinh thần triết học, văn hóa truyền thống của phương Đông và chủ nghĩa nhân văn phương Tây sâu sắc.
Bà là một trong những nhà văn nữ nổi tiếng nhất thời kỳ đương đại, các tác phẩm tiêu biểu của bà là Đông Tạng, Đậu đỏ, Tử Đinh Hương, Thác nước Hoa Tử Đằng,…
Như vậy, chúng ta đã đi tìm hiểu hết 5 nhà văn nữ nổi tiếng nhất Trung Quốc thời kỳ hiện đại, nếu các bạn thấy bài viết hay và hữu ích thì đừng quên chia sẻ để mọi người cùng được biết nhé!